“Quy trình” từ chức

Bảo Dân| 08/11/2018 06:40
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại TP. Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch UBND quận 1 Đoàn Ngọc Hải đã trở thành quan chức cấp quận đầu tiên tự nguyện từ chức khi đang được tín nhiệm.

Ông Hải được giao phụ trách lĩnh vực đô thị và xác định việc lập lại trật tự vỉa hè, lòng lề đường phải là nhiệm vụ trọng tâm, cần tập trung giải quyết dứt điểm.

Tuy nhiên, việc xử lý hành vi lấn chiếm lòng, lề đường đã động chạm đến lợi ích lớn của các chủ bãi giữ xe ôtô, gắn máy, nhà hàng, khách sạn, các hộ kinh doanh mặt tiền... và một bộ phận không nhỏ cán bộ công chức viên chức của quận, là cản ngại rất khó khắc phục. Ông Hải nhận thấy mình không thực hiện được lời hứa trước nhân dân, vì vậy, ông xin từ chức. Tuy nhiên, sau đó ông Hải đã xin rút lại đơn từ chức và vẫn tiếp tục công việc được giao là Phó chủ tịch UBND quận 1.  

Lâu lắm rồi bạn đọc mới nghe nói có một cán bộ tự nguyện từ chức và việc này càng hiếm hơn đối với cán bộ cấp tỉnh hoặc cấp bộ ngành. Tuy vẫn có cán bộ từ chức nhưng không phải là tự nguyện mà đa phần liên quan đến sai phạm, ví như dùng bằng giả, có “phòng nhì” vợ nọ con kia, cố ý làm trái, lạm dụng quyền lực… chẳng thể nào tại vị nên đành chịu từ chức như một ân huệ của tổ chức để khỏi bẽ mặt.  

Bây giờ để tìm một cán bộ đương chức năng lực không đủ, thấp tầm thiếu tâm và kết quả công việc chưa tương xứng với kỳ vọng của người dân lại dám tự nguyện từ chức thì quá hiếm. Ai đó đã đưa ra khái niệm “văn hóa từ chức” nhằm khuyến khích việc tự nguyện từ chức nếu bản thân vì nhưng lý do khác nhau không hoàn thành nhiệm vụ như chuyện từ chức ở nước ngoài. Chẳng hạn tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra, người đứng đầu ngành giao thông xin từ chức; người thân nhận hối lộ bị phát hiện, đương sự xin từ chức…  

Có ý kiến cho rằng, trong tư duy hành chính ở nước ta không có văn hóa từ chức. Văn hóa từ chức nếu có phải đặt trong bối cảnh có văn hóa công vụ, văn hóa phục vụ. Bộ máy cồng kềnh, lắm người ít việc, làm việc chăm chỉ cũng như lười nhác đều được đánh giá hoàn thành nhiện vụ đã làm nảy sinh ra số cán bộ viên chức chấp nhận mức lương ít ỏi không đủ sống để có cơ hội làm ăn bên ngoài. Với số người thực hiện tham nhũng vặt khi sách nhiễu người dân và doanh nghiệp thì khó mà trông chờ họ có được văn hóa từ chức khi họ không hề có văn hóa công sở, văn hóa công chức, văn hóa phục vụ.  

Tại phiên chất vấn mới đây, đại biểu quốc hội Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đặt vấn đề với  Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình về việc “chủ động từ chức khi không còn uy tín”.  

Trả lời câu hỏi này, Phó Thủ tướng cho biết, từ chức là một vấn đề mới và mang tính tự nguyện. Luật Cán bộ công chức đã quy định các hình thức kỷ luật như bãi nhiệm và miễn nhiệm, nhưng pháp luật lại chưa quy định rõ việc từ chức. Tới đây, Chính phủ sẽ ban hành nghị định hướng dẫn cụ thể về việc từ chức.

Rõ ràng đây vẫn là việc khó, nên thay vì trông chờ vào sự tự nguyện thì cần có khung khổ pháp lý, cần “quy trình” cho việc từ chức của cán bộ. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Quy trình” từ chức