“Quên” kê khai tài sản sẽ bị kỷ luật

Trung Nguyễn| 15/07/2019 08:45
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo số liệu thống kê, qua 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, đã tiến hành xác minh đối với 4.859 trường hợp, đã phát hiện, xử lý kỷ luật 17 người kê khai tài sản không trung thực.

Báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí của UBND TP Hà Nội gửi đến kỳ họp của HĐND TP cho thấy, trong 34.340 người phải kê khai tài sản năm 2018, chỉ có 1 trường hợp kê khai không trung thực. Cùng thời điểm này năm 2017, Hà Nội cũng báo cáo có 1 trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không trung thực. 

 

Trong năm 2018, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Thành ủy Đà Nẵng đã tiến hành giám sát và tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy tiến hành giám sát chuyên đề kê khai tài sản đối với 75 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý (trong đó có 65 người là cấp ủy viên các cấp) tại 13 địa phương, đơn vị.

 

Qua giám sát, UBKT Thành ủy đã yêu cầu kiểm điểm nghiêm túc 3 đảng viên; chuyển sang kiểm tra đảng viên có dấu hiệu vi phạm và đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy chuyển sang kiểm tra dấu hiệu vi phạm 2 trường hợp. Kết quả cả 2 trường hợp bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách. Một trong hai trường hợp đó là ông Nguyễn Phú Thái - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng bị kỷ luật khiển trách do không kê khai 9 lô đất mà vợ chồng mình sở hữu.

 

Tại Kỳ họp thứ Sáu, QH Khóa XIV, khi thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cho biết: Số người đã kê khai tài sản, thu nhập năm 2018 là 1.136.902 người, đạt tỷ lệ 99,8% số người phải kê khai, số lượng bản kê khai rất lớn, nhưng chỉ xác minh đối với 44 người. Kết quả xác minh phát hiện 6 trường hợp vi phạm (năm 2017 là 5 trường hợp vi phạm). 

 

Trong khi đó, theo phản ánh của báo chí, cử tri cho thấy, còn nhiều trường hợp kê khai không trung thực, không kê khai, nhất là không kê khai khi được bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý theo quy định nhưng chưa bị xử lý hoặc xử lý không nghiêm. Kết quả xử lý các trường hợp vi phạm cho thấy việc tổ chức thực hiện quy định về kê khai tài sản thu nhập còn mang tính hình thức, nhiều hạn chế.

 

Theo quy định tại Điều 52 của Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 và Điều 29 của Nghị định 78/2013/NĐ-CP về minh bạch tài sản, thu nhập: Người kê khai tài sản không trung thực bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật. Người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân mà kê khai tài sản không trung thực thì bị xóa tên khỏi danh sách những người ứng cử; người được dự kiến bổ nhiệm, phê chuẩn mà kê khai tài sản không trung thực thì không được bổ nhiệm, phê chuẩn vào chức vụ đã dự kiến. Người có nghĩa vụ kê khai không thuộc trường hợp trên mà kê khai tài sản, thu nhập không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc hoặc bãi nhiệm; nếu được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý thì bị đưa ra khỏi danh sách quy hoạch.

 

Theo Luật Phòng chống tham nhũng 2018, sẽ có một số điều chỉnh về người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập. Sự thay đổi đáng chú ý nhất là đối tượng thuộc diện phải kê khai tài sản, thu nhập. Cụ thể, Điều 44 Luật Phòng, chống tham nhũng cũ quy định đối tượng phải kê khai tài sản là cán bộ từ Phó trưởng phòng của UBND cấp huyện và tương đương trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị; một số cán bộ, công chức cấp xã; người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân. Luật Phòng chống tham nhũng 2018 (thay thế Luật Phòng chống tham nhũng 2005) quy định tất cả cán bộ, công chức có nghĩa vụ phải kê khai tài sản, thu nhập. 

 

Luật Phòng chống tham nhũng 2018 (có hiệu lực thi hành từ 1/7/2019) với những quy định cụ thể, chế tài mạnh hơn, nếu được thực thi nghiêm minh sẽ góp phần hạn chế những tiêu cực trong vấn đề kê khai tài sản, thu nhập.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Quên” kê khai tài sản sẽ bị kỷ luật