Tình trạng chính quyền địa phương có những quyết định không hợp hiến, không đúng với các quy định của pháp luật diễn ra khá nhiều đã dẫn đến những hệ lụy khó khắc phục.

Dẫn chứng có thể thấy rõ qua những vụ việc mới đây như biểu hiện vi phạm Luật Thủ đô, Luật Bảo vệ môi trường trong việc chặt hạ cây xanh ở Hà Nội; đấu thầu chỉ định thầu mua thiết bị y tế ở Bắc Kạn vi phạm quy định về Luật Đấu thầu và lấp sông Đồng Nai ở TP Biên Hòa vi phạm luật Tài nguyên nước và vụ tai nạn vi phạm Luật Lao động ở Formosa Hà Tĩnh…

Nhờn luật pháp

Lực lượng địa phương đang tập trung đào bới tìm kiếm các nạn nhân vụ sập giàn giáo ở công trường Formosa Hà Tĩnh. 

Chặt “nhầm” cây xanh thì đã trồng cây khác thay thế; Bắc Kạn đã tham vấn ý kiến các chuyên gia y tế đầu ngành về việc mua sắm 300 tỉ đồng thiết bị cho Bệnh viện Đa khoa Bắc Kạn nhưng sau đó bỏ qua tham vấn duyệt cho mua loại quá lạc hậu. Thiết bị mua “nhầm” cũng có thể trả lại để mua đúng loại do các chuyên gia đề xuất. Thế nhưng, việc lấp “nhầm” sông Đồng Nai thì bó tay vì việc đã rồi này vẫn được tỉnh Đồng Nai làm tiếp. Và dù nhà đầu tư xin tạm dừng thi công hay đình chỉ thì cũng khó mà đào xúc lên hàng chục vạn tấn đất đá lấp sông.  Formosa xảy ra tai nạn chết 13 người và hàng chục người bị thương thì cũng không thể  khắc phục.

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều nhà khoa học tiếp tục lên tiếng bày tỏ lo ngại sau khi có tin Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai vẫn quả quyết dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai là đúng quy trình và không cần tham vấn ý kiến của các tỉnh mà sông Đồng Nai chảy qua.

Các chuyên gia cho rằng, công trình trên diện tích mặt sông Đồng Nai liên tỉnh nên tỉnh Đồng Nai không thể tự quyết định được. Ví như sông Mê Kông là tài sản chung của nhiều quốc gia nên chúng ta mới có quyền phản đối Trung Quốc, Lào xây đập thủy điện trên dòng Mê Kông. Sông Đồng Nai không phải là tài nguyên riêng của Đồng Nai nên các tỉnh, thành khác cũng có quyền lên tiếng, nhất là những tỉnh, thành có khả năng bị ảnh hưởng do lấp sông hàng vạn mét vuông. Các chuyên gia nhắc lại với lãnh đạo Đồng Nai rằng, đây là con sông cấp 1, do Bộ TN&MT quản lý, đồng thời còn có Ủy ban Bảo vệ sông Đồng Nai... Nếu 10 tỉnh khác cũng làm như Đồng Nai thì không thể bảo vệ được dòng sông này.

Theo Luật Tài nguyên nước, Nghị định 201/2013 hướng dẫn; Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định 18/2015 thì việc tham vấn ý kiến của Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai khi lập báo cáo đánh giá tác động môi trường nói riêng và triển khai dự án lấp sông Đồng Nai là yêu cầu bắt buộc.

Điều 6 Luật Tài nguyên nước yêu cầu phải lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư và tổ chức, cá nhân liên quan trên địa bàn bị ảnh hưởng. Cần phải khẳng định rõ đây là sông liên tỉnh, có tính chất liên vùng nên đối tượng bị ảnh hưởng không chỉ là một số hộ dân ở nơi thực hiện dự án như cách Đồng Nai đang làm mà còn ở các tỉnh, thành khác trong lưu vực.

Trong ba việc đã rồi nghiêm trọng gây tai tiếng trong dư luận xã hội kể trên, theo các chuyên gia đều có chung một nguyên nhân cơ bản: lãnh đạo địa phương đều không coi trọng việc thực thi luật pháp. Các quan chức này cả tin tham mưu đã ký đại các quyết định hành chính mà không hề tính đến cơ sở pháp luật. Công tác tuyên truyền phổ biến luật pháp rất được coi trọng nhưng xem ra dân “ngấm” hơn quan. Không lẽ quan chức lại “nhờn” luật đến thế? 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhờn luật pháp