“Nghịch lý” điện-than

Bảo Dân| 06/12/2018 08:57
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Có câu “sư nói sư phải vãi nói vãi hay”. Cuộc tranh cãi kiểu này đã và đang diễn ra giữa ngành điện và ngành than trước khả năng thiếu điện trầm trọng sắp tới.

Trong cuộc họp báo cuối tháng 11, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) Nguyễn Hoàng Trung thừa nhận, nhiều nhà máy nhiệt điện ở phía Bắc thiếu than, phải dừng hoạt động một số tổ máy. TKV lý giải, trong khi thủy điện và nhiệt điện khí giảm huy động nên nhu cầu nhiệt điện than tăng mạnh dẫn đến thiếu than. Do tăng trưởng điện năm nay ở mức cao nên các nhà máy điện sử dụng nhiều than hơn so với hợp đồng đã ký kết. Tính ra đã tăng thêm 5,4 triệu tấn than so với năm 2017, Theo tính toán của chuyên gia, nhu cầu than cho sản xuất điện đến năm 2020 cần tới 60 triệu tấn – gấp 2 lần năm 2018 đến và năm 2025 là 86 triệu tấn.

Hiện nay, việc khai thác than trong nước đang gặp nhiều khó khăn thì việc nhập khẩu than thời gian qua cũng gặp rất nhiều vướng mắc do không có quy hoạch, không có lộ trình nhập và không tính toán đến dự phòng. Vì vậy, khi bất ngờ thiếu than đã dẫn tới thiếu điện. Trách nhiệm của việc thiếu than nên thiếu điện thuộc về TKV.

Được biết TKV đã triển khai nhiều biện pháp như huy động tối đa tồn kho, bao gồm cả than dự trữ chiến lược; khẩn trương nhập khẩu để pha trộn và cung cấp cho các đơn vị tiêu thụ, trong đó đặc biệt là Nhiệt điện Thái Bình 1. Ngoài ra, TKV cũng điều chỉnh tăng kế hoạch sản xuất thêm 1,5 triệu tấn than nguyên khai.

Xung quanh vấn đề cung ứng điện cho sản xuất và đời sống, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, năm nay có khoảng 45.000 MW nguồn điện, đến năm 2020, dự kiến phải có khoảng 60.000-65.000 MW, năm 2025 là 90.000 MW, 2030 là 129.000 MW. Do đó, cần rà soát, hoàn thiện, cập nhật, bổ sung các quy hoạch phát triển năng lượng, trong đó có Quy hoạch điện 7 hiện đã được điều chỉnh nhưng còn rất lạc hậu so với thực tế hiện nay.

Cần rà soát, lập các quy hoạch "nhánh" như quy hoạch điện mặt trời, điện gió…, các quy hoạch phát triển năng lượng khác. Trên cơ sở quy hoạch, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, trong đó chú ý lựa chọn các dự án ưu tiên để huy động nguồn vốn đầu tư. Phó Thủ tướng nhấn mạnh phải tiếp tục hoàn thiện thể chế, tập trung xây dựng chính sách, pháp luật để huy động vốn cho đầu tư phát triển, đặc biệt là cơ chế huy động nguồn lực phát triển nguồn điện, bởi nếu không có cơ chế phù hợp thì không thể huy động được vì liên quan đến bảo lãnh Chính phủ, bảo lãnh doanh thu, chuyển đổi ngoại tệ…

Các chuyên gia cho rằng, nghịch lý trong sản xuất và nhập khẩu than đã được cảnh  báo trước.  Còn nhớ lô than 41.500 tấn đầu tiên cập cảng Hòn Nét (Quảng Ninh)năm 2014 là bước khởi đầu cho việc nhập than phục vụ nhu cầu trong trong khi ngành than vẫn đang xuất khẩu với số lượng không hề nhỏ. Việt Nam được coi là "mỏ vàng đen" của châu Á và Đông Nam Á, với trữ lượng hiện khoảng 3,5 tỷ tấn. Bởi vậy, việc một nước giàu có tài nguyên than lại phải nhập khẩu than sẽ khiến dư luận bất ngờ. Dù có thế mạnh về tài nguyên than, nhiều thập kỷ qua, Việt Nam chỉ chú trọng khai thác để xuất khẩu.

Giai đoạn 2006-2011, Việt Nam xuất khẩu tới 21 triệu tấn. Xuất khẩu một khối lượng lớn than, để rồi giờ đây nguy cơ thiếu than cho nhu cầu trong nước đã được các chuyên gia cảnh báo từ trước. Trên thực tế, năm 2015 là 56,2 triệu tấn, năm 2020 là 112,3 triệu tấn, năm 2025 là 145 triệu tấn, và cho đến năm 2030, Việt Nam sẽ cần tới 220 triệu tấn. Thế nhưng, nghịch lý ở chỗ, dù ngành than đã lên kế hoạch nhập khẩu trong giai đoạn 2016 - 2020, ngành than vẫn xây dựng kế hoạch xuất khẩu trong giai đoạn tương ứng. 

Bây giờ, khi khó khăn do thiếu than đã hiện hữu, ngành than vẫn không từ bỏ ý định xuất khẩu, dù lượng xuất khẩu cũng đã giảm. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, thay vì đặt mục tiêu đào tài nguyên để bán, TKV nên tập trung khai thác, quản lý để hạn chế tối đa thất thoát tài nguyên than, như đã và đang xảy ra. Đồng thời, nhập khẩu đủ than cung cấp cho nhiệt điện và ngành công nghiệp trong nước.

Mới đây, tại cuộc họp Chính phủ, Thủ tướng nêu rõ thái độ cương quyết, sẽ xử lý nghiêm cán bộ liên quan nếu để xảy ra tình trạng thiếu điện. Xem ra cả EVN và TKV khó mà đổ lỗi cho nhau vì thiếu điện.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Nghịch lý” điện-than