Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về an toàn thực phẩm

Trung Nguyễn| 24/03/2017 06:10
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hình ảnh một phụ nữ dùng chân để rửa lòng lợn tại một quán ăn tại Hà Nội khiến dư luận xôn xao những ngày gần đây. Được biết, cơ sở này đã bị phạt hành chính 4,6 triệu đồng. Tuy nhiên, câu chuyện không chỉ dừng lại ở xử phạt mà còn là nhận thức...

Tuy nhiên, câu chuyện không chỉ dừng lại ở xử phạt mà còn là nhận thức về an toàn thực phẩm (ATTP) của người dân. 

Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về an toàn thực phẩm

Hình ảnh người phụ nữ dùng chân khuấy, đảo lòng lợn gây xôn xao. Ảnh cắt từ clip

Bảo đảm ATTP là vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp và thường xuyên đến sức khoẻ nhân dân, đến sự phát triển giống nòi. Với tầm quan trọng đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia ATTP giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn 2030. Tuy nhiên hiện nay, tình trạng mất ATTP vẫn đang là vấn đề nhức nhối.  

Theo thống kê của Bộ Y tế, trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 150 - 200 vụ ngộ độc thực phẩm với 5.000 – 7.000 người, trong đó có từ 40 - 60 người tử vong. Từ 2010 – 2015 cả nước xảy ra 1.030 vụ ngộ độc thực phẩm, 27.487 người mắc, 207 người tử vong. 

Tại một hội thảo về ATTP gần đây, PGS.TS Trần Quang Trung, Nguyên Cục trưởng Cục ATTP – Bộ Y tế cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất vệ sinh ATTP do sản xuất, chế biến thực phẩm chủ yếu là nhỏ lẻ. Chính quyền chưa thật sự vào cuộc và hệ thống văn bản ATTP hiện nay có khá nhiều những nhiều quy định chưa rõ, rất khó thực thi. 

Nhiều ý kiến khác cho rằng, hiện nay có quá nhiều bộ ngành cùng xử lý ATTP, tuy nhiên vẫn không giải quyết được vấn đề này. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý ATTP, số lượng văn bản còn quá nhiều do 3 ngành: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương cùng ban hành văn bản quản lý đối với các sản phẩm thuộc lĩnh vực quản lý, gây khó khăn cho địa phương trong triển khai thực hiện.  Vì vậy cần có một cơ quan thực thuộc Chính phủ để giải quyết mọi vấn đề về ATTP. Đồng thời, hệ thống văn bản pháp luật về ATTP phải được xây dựng đồng bộ, tránh trường hợp “ông nói gà, bà nói vịt”, luật thì nhiều nhưng người tiêu dùng hiểu lại ít.

Đặc biệt, một vấn đề bất cập được nhiều đại biểu quan tâm chính là vai trò của người dân trong vấn đề ATTP. Một thực trạng là người tiêu dùng rất ít khi lên tiếng về ATTP, hoặc không biết phải báo cáo cho ai khi phát hiện ra sản phẩm có hiện tượng mất vệ sinh ATTP. Hiện nay tại địa phương cũng chưa có một đơn vị nào tiếp nhận khiếu nại của người tiêu dùng về vấn đề vệ sinh ATTP… Vì vậy, ngoài việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các chế tài đủ mạnh để xử phạt vi phạm về ATTP… thì công tác vận động, tuyên truyền, tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp hiểu đúng và thực hành đúng về ATTP rất quan trọng.

Để bảo đảm ATTP, không gì khác chính là cần nâng cao nhận thức về ATTP, trong đó vẫn là đề cao lương tâm và trách nhiệm của mỗi chủ cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm trong việc chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về bảo đảm ATTP. Tuy nhiên, mặt khác, chính người dân cũng cần được tuyên truyền để thay đổi hành vi, có trách nhiệm hơn trong vấn đề ATTP. Có như vậy, bài toán về ATTP mới tìm được nút gỡ trong thời gian tới.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về an toàn thực phẩm