Xung quanh Đề án Cải cách tiền lương được trình Hội nghị Trung ương 7, đã có rất nhiều ý kiến thảo luận trên báo chí, trong đó nhiều người cho rằng tăng lương là một giải pháp chống tham nhũng.
“Tiền lương phải là thu nhập chính”, tôi hoàn toàn đồng ý về quan điểm này của Đề án Cải cách tiền lương.
Nhưng cán bộ công chức sống được bằng lương có thể ngăn ngừa tham nhũng như một số phát biểu của một số cá nhân gần đây trên báo chí có lẽ là nhìn nhận, đánh giá có phần vội vàng.
Công chức đang sống bằng gì? Có phải bằng lương không? Đó là những câu hỏi mà rất nhiều người đã đặt ra để bàn luận. Sự thật thì có nhiều cán bộ công chức không thể tồn tại được bằng mức lương đang hưởng. Tuy nhiên cũng có công chức sống tốt, thậm chí sống rất sung túc. Vậy tiền đó ở đâu ra?
Hình minh họa (TTXVN)
Cơ man nào biệt phủ, xe sang mà thời gian qua báo chí phản ánh đều là tài sản thuộc sở hữu của cán bộ, công chức đang hưởng lương nhà nước. Lương không đủ sống nhưng nhiều công chức giàu và rất giàu.
Phải khẳng định ngay đóng góp vào sự giàu có ấy thì lương chiếm một tỉ lệ cực nhỏ. Còn cụ thể từ những nguồn thu nhập nào thì đó là câu hỏi không dễ trả lời.
Việc để cán bộ, công chức nhà nước phải sống bằng nguồn thu nhập ngoài lương đáng để chúng ta phải suy ngẫm. Rất nhiều nhân tài đã phải rời khỏi bộ máy nhà nước vì mức lương quá bèo bọt. Vậy nên trước tiên, cải cách thế nào thì cải cách chúng ta phải khẳng định quan điểm, lương phải đảm bảo được đời sống của cán bộ, công chức, người lao động và gia đình họ. Chỉ có một mức lương tương xứng thì công chức mới toàn tâm, toàn ý vào công việc.
Nhưng chúng ta đừng vội vàng nghĩ rằng, cán bộ, công chức khi sống đủ bằng lương thì có thể ngăn ngừa được tham nhũng. Lòng tham của con người là vô đáy, con số nào có thể khắc chế được lòng tham ấy?
Công chức sống đàng hoàng bằng lương thì đi liền với đó nhà nước phải hoàn thiện cơ chế, công cụ kiểm tra giám sát. Nhà nước phải có thước đo chuẩn mực về năng suất công việc, phải đánh giá, công nhận một cách công bằng, trung thực.
Xét cho cùng tham nhũng thời nào cũng có, quốc gia nào, thể chế nào cũng tồn tại. Người càng giàu có, càng nhiều quyền lực thì nguy cơ tham nhũng càng cao.
Không thể ngăn ngừa lòng tham khi pháp trị không nghiêm minh, kiểm tra giám sát còn lỏng lẻo và đội ngũ lãnh đạo không liêm chính. Vì vậy song song với cải cách tiền lương thì nhà nước phải cải cách đồng bộ trên nhiều lĩnh vực khác, đặc biệt là cải cách bộ máy.
Tinh giản biên chế là giải pháp không thể không làm. Bộ máy cồng kềnh kiên quyết phải cắt bớt cho tinh gọn. Nhà nước không thể đảm bảo cho những người sáng chiều đủng đỉnh cắp ô đi về một mức bổng lộc xênh xang được.
Nâng lương công chức và công tác cán bộ mà Hội nghị Trung ương 7 thảo luận là hai vấn đề hệ trọng có tính bước ngoặt. Hiệu quả, hiệu lực của bộ máy nhà nước sẽ thay đổi như như thế nào? Tinh giản biên chế sẽ được thực hiện ra sao? Người dân rất mong mỏi về những thay đổi ấy.