Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô vừa được Bộ GTVT đưa ra lấy ý kiến, trình Chính phủ đã gây nhiều ý kiến trái chiều giữa các nhà quản lý, giới chuyên gia và doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia, dự thảo này vẫn còn nhiều quy định bó buộc hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô kiểu “một ga hai phanh” khiến xe không chạy được chứ đừng nói đến chuyện tăng tốc. Thậm chí có luật sư cho rằng, cần phải bỏ ít nhất một nửa số điều kiện trói buộc doanh nghiệp trong Dự thảo nghị định này.

Không khó để chỉ ra các quy định bó buộc trong dự thảo. Đó là khoản 4 Điều 16, dự thảo cho rằng doanh nghiệp công nghệ phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh và điều kiện hoạt động như một đơn vị vận tải. Quy định này không những làm biến đổi bản chất hoạt động đơn vị cung cấp phần mềm mà còn triệt tiêu phần lớn những ưu điểm mà các dịch vụ kết nối mang lại, biến nó trở thành một kênh liên lạc thông thường. Quy định này cản trở sự sáng tạo của ngành kinh tế số, tạo ra gánh nặng thực thi và chi phí vô lý cho các doanh nghiệp, ảnh hưởng đến người tiêu dùng. 

Bên cạnh đó, dù dự thảo đã cắt giảm khá nhiều thủ tục, yêu cầu không cần thiết so với các dự thảo trước, nhưng vẫn còn một số thủ tục, yêu cầu chưa rõ mục tiêu quản lý, tạo gánh nặng và phát sinh chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp vận tải cũng như người dân. Nổi trội nhất trong mớ quy định phiền hà là yêu cầu đơn vị vận tải phải cung cấp thông tin về hợp đồng vận tải đến Sở Giao thông Vận tải trước khi thực hiện vận chuyển hành khách. 

Ai đó nói rằng một lần đặt xe Grab là một lần hợp đồng vận chuyển hành khách, không lẽ lại phải báo cáo về Sở GTVT. Hàng ngàn xe Grab báo về dễ sập mạng dù chẳng để quản cái gì? Rõ ràng quy định này làm tăng thêm thủ tục hành chính “hành” doanh nghiệp. Không chỉ vậy, còn đặt ra vấn đề liên quan đến thông tin mật, bí mật kinh doanh của đơn vị kinh doanh vận tải, tạo kẽ hở cho cạnh tranh không lành mạnh.

Trong xu thế xây dựng Chính phủ kiến tạo và phục vụ, các văn bản pháp quy như nghị định của Chính phủ khi ban hành cần tôn trọng quyền tự quyết của doanh nghiệp và hạn chế đưa ra các điều kiện kinh doanh không cần thiết. Mỗi điều kiện kinh doanh được ban hành cần phải xác định rõ mục tiêu quản lý, để làm gì, có tác dụng gì và có bù đắp được chi phí của xã hội hay không.

Tại cuộc hội thảo về dự thảo nghị định này, đã có chuyên gia thẳng thắn bày tỏ quan điểm, nhiều nội dung thay đổi trong dự thảo không phải đổi mới, càng không phải là đột phá, mới chỉ là sửa chữa sai lầm, vướng mắc cũ đang cản trở phát triển. Trong tờ trình Chính phủ lý có giải rằng Dự thảo đã cắt giảm rất nhiều điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, đi sâu vào từng điều khoản cụ thể thì sẽ thấy sự hoán đổi vị trí, thậm chí đánh tráo khái niệm, thực chất là bỏ 1 thêm 3, bỏ 1 thêm 5.

Quy định theo hướng thắt chặt hơn, chặt chẽ hơn, lúng túng và xa rời thực tế hơn. Mâu thuẫn và bất cập ở chỗ quy định nhiều về điện tử, công nghệ 4.0 nhưng lại không quản theo hướng công nghệ hiện đại mà quản theo kiểu truyền thống. 

Chuyên gia đến từ Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng lưu ý dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 86 đã mở rộng thêm các điều kiện kinh doanh chứ không chỉ cắt bỏ. Cắt bỏ 12 điều kiện nhưng bổ sung 85 điều kiện, trong đó 64 điều kiện bổ sung mới, 21 điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Giao thông Vận tải. Doanh nghiệp ngờ rằng với 21 điều kiện của Bộ trưởng sẽ còn các điều kiện “con cháu chắt” của Thứ  trưởng, Cục trưởng và Sở trưởng nữa. Biết bao giờ mới hết cảnh vừa nhích ga đã đạp phanh chân, kéo phanh tay?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một ga hai phanh