Nhân việc Sở GD&ĐT TP Hà Nội đề xuất sử dụng công nghệ thông tin khi đề nghị thành phố cho phép sử dụng các phương tiện phá sóng truyền tin tại các điểm in sao đề thi khiến các chuyên gia bỗng dưng nhớ đến thuyết kỹ trị ra đời đã gần 200 năm.

Đề xuất quản lý bằng kỹ thuật khi cho đặt các máy phá sóng tại tất cả các điểm sao in đề thi trong kỳ thi THPT quốc gia được cho là giải pháp thần diệu bảo đảm an ninh tuyệt đối ở khâu đề thi của kỳ thi này, chấm dứt việc lộ đề thi.

"Con hát mẹ khen hay", ông Cục trưởng Cục Khảo thí (Bộ GD&ĐT) đánh giá sáng kiến này hoàn toàn hợp lý đem lại hiệu ứng tích cực trong việc đảm bảo an ninh, an toàn trong kỳ thi Quốc gia sắp tới.  Hóa ra các ông đốc học này không hề biết rằng, thiết bị phá sóng là loại thiết bị bị nghiêm cấm kinh doanh, sản xuất và sử dụng trong lĩnh vực dân sự. Các hành vi sử dụng trái phép, xâm hại tới quyền lợi hợp pháp của các nhà cung cấp dịch vụ di động hay những người sử dụng dịch vụ di động là vi phạm pháp luật.

Tất nhiên, vấn đề mà những người “thích kỹ trị” khi đề xuất và ủng hộ sáng kiến phá sóng này không trả lời được câu hỏi: nếu áp dụng kỹ thuật phá sóng này, sẽ ảnh hưởng thế nào đến thông tin liên lạc, an ninh, quốc phòng ngoại giao và xã hội ở xung quanh khu vực in, sao đề thi. Trao đổi với báo chí, Đại tá-TSKH Nguyễn Hồng Vũ, chuyên gia về chiến tranh điện tử cho rằng không nên sử dụng kỹ thuật phá sóng để chống lộ đề thi vì đây chỉ là hoạt động dân sự. Ngành Giáo dục Hà Nội cần sử dụng các giải pháp quản lý tổng hợp liên ngành để báo đảm an toàn thi cử nói chung bảo vệ đề thi nói riêng. Hệ lụy của kỹ thuật phá sóng vượt quá tầm khắc phục của Sở GDĐT Hà Nội. 

Nhận xét về đề xuất này, nhiều nhà nghiên cứu giáo dục cũng không đồng tình. Đồng thời cho rằng, đây là giải pháp mang nặng tính cực đoan kỹ trị lại tạm bợ, đối phó, coi nhẹ yếu tố con người. Mấy mươi năm qua, đề thi luôn được bảo đảm bí mật. Số lần vi phạm là cá biệt và sai phạm thường do chủ nghĩa thành tích hơn là máu mê thương mại.

Các chuyên gia chất vấn, tại sao chỉ có Hà Nội đưa ra đề nghị này, trong khi đó tất cả các địa phương khác thì không? Đảm bảo an ninh trong thi cử bao nhiêu năm qua đâu cần sử dụng tới cái máy phá sóng kia. Chẳng lẽ, công tác điều hành, thanh tra, giám sát, xử lý sai phạm trong thi cử trở nên quá sức người nên phải cậy nhờ máy móc mang tính chất cực đoan như vậy?

Cũng có chuyên gia đánh giá, đề nghị trên cần được cân nhắc vì bản chất của giáo dục và đầu tư đánh giá cần hướng đến lâu dài thay vì những định hướng quá máy móc, kỹ thuật trong khi không thiếu giải pháp bảo đảm an toàn thi cử.

Cần chuẩn bị đội ngũ giám sát thi chuyên nghiệp và quản lý công tác coi thi thay để khỏi phải đầu tư cho máy móc lạ lẫm. Xin nhắc lại ý kiến chính thức của Cục Tần số vô tuyến điện Bộ Thông tin Truyền thông rằng Cục không bao giờ cấp phép sử dụng máy phá sóng trong mục đích dân sự như nơi in sao đề thi. Nếu phát hiện các trường hợp sử dụng trái quy định thì phải xử lý bằng hình thức xử phạt và tịch thu thiết bị theo quy định của pháp luật!

Hà Nội nên "stop" ngay sáng kiến ngỡ là thông minh này kẻo mang tiếng kém hiểu biết! 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Máy phá sóng