Lý giải việc Sở đông quan

Bảo Dân| 26/10/2016 08:21
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Câu chuyện Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa có 8 phó giám đốc chưa kịp lắng xuống này đã có thêm chuyện mới, xem ra ngộ hơn.

Đó là Sở Lao động -Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương biên chế có 46 người nhưng có tới 44 người là “quan chức” từ Phó trưởng phòng trở lên. Nghĩa là Sở này chỉ có 2 người là nhân viên hoặc chuyên viên được đoán rằng là lái xe và bảo vệ.   

Mỗi phòng có Trưởng phòng và một mâm Phó phòng đến 5 vị. Văn phòng Sở ngoài Chánh văn phòng còn có 4 Phó văn phòng; các phòng khác đều có 4 đến 5 Phó phòng; Thanh tra Sở có Chánh thanh tra và 4 Phó chánh thanh tra...

Tuy nhiên, Hải Dương không phải là địa chỉ duy nhất có hiện tượng đông “quan”.  Có thể thấy tình trạng này ở địa phương và cả cấp cục vụ ở Trung ương. Có một vụ ở cơ quan trung ương có tới 2-3 vị hàm Vụ trưởng chính thực được ký tên đóng dấu có chữ “hàm” với các chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính kịch khung nhưng hiếm nhân viên  pha nước mời khách.

“Quân đông - lính ít” không biết công việc chạy ra sao? “Sếp” thì nhiều. Lịch sử để lại ở cơ quan Bộ nọ từng có tới 8-9 Thứ trưởng, đông đến nỗi quan hành chính không biết thưa bẩm theo thứ tự nào. Nay ở Sở Nông nghiệp - PTNT Thanh Hóa cũng vậy, 8 Phó giám đốc, thưa ai trước cũng là chuyện khó cho các cháu nhân viên trẻ.

Ở Hải Dương, lãnh đạo tỉnh không quản đến cấp phòng nên không biết Sở cất nhắc bổ nhiệm ra sao mà nhiều “sếp” đến thế? Sở thì đổ thừa cho yêu cầu công việc. Thế nhưng khó giải thích vì sao người mới tuyển dụng có vài tháng đã lên chức Phó chánh thanh tra?

Dư luận cho rằng vụ việc ở Hải Dương như thế là sai và càng thấy người đứng đầu Chính phủ đã rất đắc nhân tâm khi yêu cầu bộ máy nhà nước chọn người tài, không chọn người nhà. Các vụ đề bạt cất nhắc bổ nhiệm lúc hoàng hôn nhiệm kỳ cho người nhà, cho “trực hệ, quan hệ đã eo xèo lắm. Người ra quy hoạch vợ, bổ dụng con, ưu ái cháu tràn lan bất chấp phép tắc, quy trình, quy hoạch y như “chuyện thường ngày ở tỉnh”.

Không hiểu các cơ quan tổ chức, thanh tra, kiểm tra, nội vụ có nhìn thấy không? Nơi nào làm ăn yếu kém đều có chuyện thiếu minh bạch trong chức nọ, quyền kia. Cái gì cũng có quy trình! Vụ việc nào bị lộ cũng cãi không sai, cũng nói đề bạt cất nhắc đều trong quy hoạch, đều đúng quy trình quy chế.

Thế nên chuyện Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức (Hà Nội) có 10 người nhà làm cán bộ cũng là do ngẫu nhiên. Thế nên chuyện Bí thư Hà Giang với cả dây dợ anh em cọc chèo có ghế nọ, chức kia là tự thân vận động, cũng hết sức tự nhiên… Nhưng dù có nói đúng quy trình, nói “ngẫu nhiên” gì đi chăng nữa cũng không lọt tai dân, là “cái không sai”, cái ngẫu nhiên nhưng “nghịch mắt” dân!

Ai đó nói rằng tái cấu trúc nền kinh tế đã khó, nhưng tái cấu trúc lại đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị còn khó khăn hơn.

Chọn người tài, hay người nhà? Câu hỏi của người đứng đầu Chính phủ đang cần cách nhìn nhân văn.

Tình trạng đưa “5c - con cháu các cụ cả” vào vị trí lãnh đạo các cấp đã đến mức báo động. Quy trình công tác cán bộ do cấp ủy Đảng, cơ quan tổ chức cán bộ xây dựng nên, vốn khách quan, khoa học đang bị phá vỡ từng mảng. Không được đổ lỗi cho quy trình. Cần lên án, ngăn chặn và chấm dứt việc mượn “quy trình” đề bạt cán bộ để làm cái “khiên mộc” che đỡ ý đồ cá nhân.

Chuyện chuyên viên chuyên lo việc trà nước là chuyện cũ. Này đã khác bởi có cả Phó phòng, trưởng phòng vụ phó và cả vụ trưởng cũng không có công việc chính danh tất sẽ có những người dẫu có chức có quyền nhưng không biết làm gì ra đầu ra đũa. Có lẽ nên tiến hành cuộc thi xếp hàng năng lực chuyên môn nghiệp vụ để thanh lọc và thải loại bớt 30% cán bộ cắp ô!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lý giải việc Sở đông quan