Lợi ích nhỡn tiền

Bảo Dân| 23/10/2015 07:32
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Người dân hỏi nhau, Chính phủ điện tử là gì? Câu hỏi không khó trả lời nếu “khoanh” vào chuyện đưa công nghệ thông tin hiện đại vào việc điều hành của các cơ quan công quyền.

Chuyện thất lạc văn bản, công văn chỉ thị từng xảy ra làm khó cho cơ quan công quyền, làm khổ cho công dân. Mùa thi ĐH-CĐ vừa qua do cứ chờ cái giấy báo trúng tuyển đã bị thất lạc mà có thí sinh suýt nữa thất học, dù trên mạng đã có tên trúng tuyển. Vậy Chính phủ điện tử không phải là guồng máy có nhân viên công quyền là người máy chỉ biết lắc hoặc gật mà là sự cung cấp dịch vụ công qua mạng điện tử.

Nghị quyết 36a của Chính phủ về Chính phủ điện tử đã đi vào cuộc sống và đã thu được những thành công bước đầu đáng khích lệ.

Nghị quyết 36a của Chính phủ nhằm đặt mục tiêu đẩy mạnh phát triển sử dụng công nghệ thông tin hiện đại, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Nghị quyết đặt ra mục tiêu có 100% dịch vụ công được cung cấp qua mạng điện tử; thiết lập cổng dịch vụ công quốc gia tại một địa chỉ duy nhất trên mạng, liên thông văn bản từ cấp trung ương đến cấp xã.

Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ (dịch vụ công trực tuyến mức độ 3). Ngay cả việc thu phạt vi phạm hành chính cũng được thực hiện qua mạng điện tử.

Cổng thông tin điện tử của Chính phủ đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) TP HCM và các đơn vị liên quan thử nghiệm kết nối, liên thông hệ thống quản lý văn bản thử lập của VPCP với hệ thống của TP HCM và một số tỉnh, thành qua trục liên thông thử nghiệm. Kết quả thử nghiệm cho thấy đã bảo đảm tốt việc liên thông văn bản điện tử thông suốt từ trung ương đến địa phương.

Từ kết quả trên, cổng đã phối hợp với Sở TT-TT TP HCM triển khai kết nối, liên thông thử nghiệm giữa VPCP với 23 tỉnh, thành và 3 bộ (Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, TT-TT) giai đoạn 1. Tiếp đó, mở rộng ra với các địa phương, bộ, ngành khác. Hiện đã thống nhất kế hoạch liên thông, kết nối với 27 bộ, ngành và 40 tỉnh, thành. Đến thời điểm này, cấu hình kết nối trên trục liên thông đã thử nghiệm cho 38 tỉnh, thành.

Được biết để đốc thúc thực hiện Chính phủ điện tử nếu có bộ, ngành, địa phương nào chưa tích cực, Văn phòng Chính phủ sẽ bị áp đặt tiến độ.

Tính ra chỉ riêng lĩnh vực bảo hiểm y tế (BHYT), Chính phủ điện tử đi vào hoạt động có thể tiết kiệm hàng chục ngàn tỉ đồng mỗi năm. Rồi ra, khi các bộ, ngành liên thông văn bản điện tử, tích hợp các dịch vụ công, đăng ký kinh doanh, quản lý đất đai và xây dựng, BHYT, visa; cấp các loại thẻ, giấy phép... đều  ứng dụng công nghệ thông tin được giám sát từ đầu các giấy tờ hồ sơ thủ tục hành chính sẽ tiện lợi rất nhiều cho người dân và doanh nghiêp.

Ở góc độ khác, Chính phủ điện tử sẽ góp phần chống tệ nạn xách nhiễu, vòi vĩnh của một bộ phận nhân viên công quyền. Lợi ích nhỡn tiền như vây mà chần chừ không chịu thực hiện thì cần xử lý thật nghiêm người đứng đầu để nêu gương!.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lợi ích nhỡn tiền