Viện Chiến lược và phát triển GTVT vừa đưa ra một con số “giật mình” về taxi Hà Nội. Theo đó, mật độ taxi trung bình tại khu vực nội thành Hà Nội là 52,5 xe/km2; và mỗi km đường có 16 xe taxi hoạt động.

Tại một số nút giao thông lớn vào giờ cao điểm, 50% ô tô qua lại ở đây là taxi. Cụ thể hơn, tại Hà Nội, hiện đã có trên 41.000 xe ô tô hoạt động như taxi với 21.800 xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi và 19.265 taxi truyền thống, chưa kể số taxi tỉnh bạn và taxi “dù”…

Thời gian qua, sự ra đời của loại hình taxi công nghệ đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng như gọi xe nhanh hơn, giá rẻ hơn. Tuy nhiên hoạt độg taxi vẫn còn nhiều bất cập trong công tác quản lý, nhất là đối với xe thí điểm ứng dụng hợp đồng điện tử do hệ thống văn bản pháp quy hiện hành chưa có đủ quy định, không rõ cơ chế xử lý để quản lý chặt chẽ loại hình taxi công nghệ này…

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo việc thí điểm ứng dụng hợp đồng điện tử vào kinh doanh vận tải hành khách phải bảo đảm lợi ích người tiêu dùng; cạnh tranh lành mạnh và không để thất thu thuế. Tuy nhiên, hiện cả ba yêu cầu này đều chưa đạt được…

Khoản thuế các đơn vị này nộp cũng chỉ thể hiện là nộp thay thuế thu nhập cho lái xe; đội ngũ lái xe hợp đồng không đáp ứng các tiêu chuẩn của quy định hiện hành như tiêu chuẩn về sức khỏe  của lái xe;  tên, số điện thoại của lái xe hoặc sử dụng lái xe, nhân viên phục vụ trên xe để tham gia kinh doanh vận tải bằng xe ô tô mà không có hợp đồng lao động…Đa số phương tiện tham gia thí điểm không niêm yết logo, phù hiệu Xe hợp đồng và các thông tin theo quy định, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm của cơ quan chức năng.

Theo Tổng Giám đốc Tập đoàn Mai Linh miền Bắc  Hồ Quốc Phi, Taxi Mai Linh hiện đang có gần 600 xe tham gia thí điểm ứng dụng hợp đồng điện tử vào kinh doanh vận tải hành khách, nhưng vẫn “đeo mào” taxi, vẫn phải chịu sự quản lý như taxi truyền thống, đặc biệt là bị hạn chế lưu thông trong giờ cấm, phố cấm. Trong khi đó, các taxi hợp đồng lại không bị quản lý, vẫn được phép ra - vào, lưu thông trong các khung giờ cao điểm. Rõ ràng như vậy là không công bằng.

Đã có nhiều kiến nghị cần phải có quy định cụ thể, rõ ràng về giới hạn hoạt động của taxi công nghệ để thuận tiện hơn cho cơ quan chức năng trong việc phân luồng, điều tiết, kiểm soát, xử lý vi phạm luật an toàn giao thông;  đồng thời để bảo đảm cạnh tranh lành mạnh giữa các loại hình kinh doanh vận tải, taxi công nghệ phải có giấy phép kinh doanh, chịu các quy định quản lý như quy định quản lý vận tải với các doanh nghiệp kinh doanh taxi khác.

Theo thông tin trên báo chí, trong 8 tháng năm 2018, CSGT Hà Nội đã đăng ký, cấp biển số mới cho hơn 218.000 phương tiện, trong số này có hơn 38.000 ôtô, 170.000 xe máy. Tính ra, mỗi tháng, Hà Nội đang có thêm hơn 27.000 ôtô, xe máy, xe đạp điện được cấp phép lưu hành, chưa kể 1,2 triệu phương tiện từ ngoại tỉnh vào Hà Nội tham gia giao thông.

Các chuyên gia cho rằng sự phát triển kỷ lục về phương tiện với 27.000 xe trong 8 tháng đã khiến không phải chỉ là vài chục điểm đen ùn tắc, mà ở nhiều thời điểm, tất cả các con đường lớn đều  ùn tắc.

Chuyên gia Tổng Công ty Tư vấn thiết kế GTVT – TEDI đánh giá, ở nhiều nút  giao hiện mật độ phương tiện lưu thông đã quá tải thiết kế mặt đường từ 3 - 4 lần. Vì vậy, muốn giảm ùn tắc phải giảm phương tiện cá nhân, mở rộng hạ tầng giao thông. Muốn giảm phương tiện cá nhân phải tăng cường phương tiện công cộng. Nhưng tất cả vẫn chỉ là phương án, kế  hoạch bất khả thi vì không có kinh phí, vì các dự án giao thông công cộng vẫn chậm tiến độ. Bất khả thi vì mỗi kilômet vuông nội đô phải gánh trên 50 chiếc xe taxi và vào giờ cao điểm.

“Loạn” taxi càng làm tắc đường!

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Loạn” taxi?