Ngày 11/7/2019, Bộ Y tế ban hành Thông tư 15/2019/TT-BYT quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập.

Thông tư này nhằm khắc phục những khó khăn, bất cập trong công tác đấu thầu thuốc, bảo đảm lựa chọn thuốc trúng thầu có chất lượng tốt để cung ứng cho các cơ sở y tế công, đồng thời tăng cường giám sát chất lượng thuốc thông qua các tiêu chí kỹ thuật đối với các cơ sở sản xuất và sản phẩm thuốc.

Tuy nhiên, các chuyên gia đã chỉ ra nhiều nội dung bất cập trong Thông tư 15. Đó là tại Khoản 1 Điều 11 về phân chia gói thầu dược liệu. Theo đó, khoản 1 quy định: Nhóm 1 bao gồm các dược liệu nuôi trồng, thu hái hoặc khai thác từ thiên nhiên được Bộ Y tế đánh giá đạt tiêu chuẩn GACP trong khi Bộ Y tế chưa ban hành danh mục dược liệu đạt GACP đủ yêu cầu để sử dụng trong nước.

Ngành y tế cũng chưa rà soát, thống kê được diện tích và sản lượng dược liệu trong nước là bao nhiêu, có đủ cho yêu cầu sử dụng hay không mà đã đưa nhóm dược liệu này vào gói thầu. Việc này sẽ tạo kẽ hở cho dược liệu nhập lậu đưa vào sử dụng tại các cơ sở y tế. Hiện nay việc quản lý chất lượng dược liệu nhập khẩu tiểu ngạch từ Trung quốc đang bị buông lỏng. Thậm chí có thông tin khá nhiều loại dược liệu quý đã bị rút hết dược chất rồi mới bán cho con buôn tuồn vào Việt Nam bằng đường tiểu ngạch. Ban soạn thảo đã “tính cua trong lỗ” khi thiết kế khoản 1 Điều 11?

Được biết, tại Nghị định 54/2017/NĐ-CP đã quy định lộ trình thực hành sản xuất thuốc tốt GMP đối với chế biến dược liệu, vị thuốc cổ truyền tới năm 2021. Hiện nay cả nước mới có 13 nhà máy sản xuất thuốc cổ truyền đạt tiêu chuẩn GMP, thực hành tốt sản xuất thuốc theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (GMP–WHO) trong số trên 200 cơ sở sản xuất thuốc cổ truyền, chế biến dược liệu cung cấp trên 2000 chế phẩm cho các cơ sở khám chữa bệnh và  sản xuất thuốc cổ truyền.

Như vậy, quy định trong Khoản 1, Điều 11 là “cầm đèn chạy trước” ô tô không phù hợp với lộ trình quy định trong Nghị định 54-2017.  Luật Dược 2016 quy định: Vị thuốc cổ truyền là là dược liệu được chế biến theo lý luận và phương pháp của y học cổ truyền dùng để sản xuất thuốc cổ truyền hoặc dùng để phòng bệnh, chữa bệnh. Thế nhưng ở Khoản 2, Điều 11 quy định các bán thành phẩm dược liệu như cao, cốm, bột, dịch chiết, nhựa, tinh dầu, gôm, thạch … sản xuất tại Việt Nam trên dây chuyền đạt chuẩn GMP cũng được đấu thầu để sử dụng làm thuốc từ dược liệu. Các bán thành phẩm này không phải là vị thuốc cổ truyền mà đưa vào gói thầu sẽ làm mất bản chất của thuốc cổ truyền vì chưa hề có tiêu chuẩn quốc gia do Bộ Y tế ban hành. Vả lại hiện nay ngành dược nước ta cũng chưa sản xuất các loại bán thành phẩm này đạt chuẩn, phải trông chờ vào nguồn nhập lậu vào thị trường dược liệu Việt Nam.

Các chuyên gia y học cổ truyền lưu ý, một khi dược liệu đã nhập lậu và bán thành phẩm cũng là hàng trôi nổi thì việc bảo đảm chất lượng vị thuốc cổ truyền sẽ càng khó khăn hơn. Đã thế, nếu các loại thuốc này lại trúng thầu thì nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh tại các cơ sở đông y công lập càng trở nên phức tạp.

Các chuyên gia cảnh báo, với các điều khoản về dược liệu và vị thuốc cổ truyền trong Thông tư 15/2019, đông y Việt Nam sẽ hoạt động hết sức khó khăn về dược liệu và vị thuốc cổ truyền trước  những quy định bất cập của Thông tư  15 và sự tấn công của hàng nhập lậu.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm khó đông y?