Lạm dụng xã hội hóa

Bảo Dân| 27/03/2015 14:13
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đang có phong trào “xã hội hóa” khá toàn diện ở các ngành các cấp. Chưa bao giờ cụm từ “xã hội hóa” bị lạm dụng như hiện nay.

Đang có phong trào “xã hội hóa” khá toàn diện ở các ngành các cấp. Chưa bao giờ cụm từ “xã hội hóa” bị lạm dụng như hiện nay. Người ta hô hào, kêu gọi và muốn thực hiện xã hội hóa trong các lĩnh vực hoạt động mà xưa nay vẫn tiêu tiền ngân sách. Nay huy động từ các nguồn đóng góp của dân kể cả tự nguyện hay bổ đầu người được gọi là “xã hội hóa”.

Mặt tích cực của xã hội hóa là san sẻ gánh nặng cho ngân sách và động viên được người dân vào cuộc trong các hoạt động văn hóa xã hội. Tuy nhiên, xã hội hóa đang trở thành gánh nặng cho người dân và doanh nghiêp khi bị huy động quá sức. Chẳng hạn ở nông thôn, dưới tấm biển xã hội hóa chương trình xây dựng nông thôn mới, chính quyền địa phương ép dân đóng góp quá sức. Không đóng góp đủ là bị “hành” thậm tệ. Ở đô thị, không mấy tuần là không có các nhóm cán bộ phường gõ cửa xin tiền cho rất nhiều hoạt động.

Dịp Tết vừa qua, chỉ có vài doanh nghiệp ăn nên làm ra, cao hứng muốn PR bằng pháo hoa trên Cầu Nhật Tân nhưng sở Văn Thể Du đã lên tiếng xin bắn pháo hoa trên cầu này thường xuyên để người dân quên đi đói nghèo mà không hề tính đến gánh nặng xã hội hóa bởi bắn pháo hoa tốn cả trăm triệu cho một đêm. May quá, lãnh đạo thành phố dẹp luôn “tối kiến” xã hội hóa tốn kém và vô bổ này.

Ở Ném Thượng, thành phố Bắc Ninh, do “xã hội hóa” mà chính quyền địa phương, cơ quan quản lý văn hóa đành bó tay để lợn vẫn bị chém rất tàn bạo như không có chuyện gì xảy ra, bất chấp lời khẩn cầu từ tổ chức bảo vệ động vật.

Rồi việc khuyến khích “xã hội hóa” hội lễ để mọi người có cơ hội tham gia “cướp có văn hóa” để cầu may khi cướp được các lễ vật, linh vật ở Hội Gióng, ở Đền Trần và nhiều hội lễ khác. Các nhà nghiên cứu khẳng định không có “cướp có văn hóa” ở các hội lễ này mà là ăn cướp, cướp giật vì lòng tham lam ích kỷ!

Lạm dụng xã hội hóa

Chương trình "Nhân tố bí ẩn" do VTV3 kết hợp với công ty Cát Tiên Sa sản xuất cũng bị phản ứng khi để nhóm F-Band dùng chiếc khăn Piêu làm khố

Người ta bàn cãi sôi nổi việc “xã hội hóa” một số loại hình nghệ thuật khi xuất hiện các biểu hiện mới lạ của “xã hội hóa”. Vì xã hôi hóa mà VTV bị thổi còi và thu hồi giấy phép nhiều chương trình liên kết với tư nhân chiếm sóng giờ vàng. Bởi có quá nhiều sai phạm về nội dung. Vì “xã hội hóa” mà rất nhiều ấn phẩm, kể cả sách giáo khoa có nội dung nhảm nhí vẫn được ra mắt bạn đọc. “Xã hội hóa” lĩnh vực xuất bản cho thấy mặt trái của việc tăng xuất bản phẩm là tình trạng gia tăng các sai phạm trong xuất bản khi “khoán trắng” cho tư nhân. Không còn nghi ngờ gì nữa, các scandal sách nối tiếp nhau, người ta mới rạch ròi phân tích lỗi tại buông lơi “xã hội hóa” của các NXB. Nhờ “xã hội hóa” mà có 80% số sách được ấn hành nhưng các sai phạm trong xuất bản cũng nhiều hơn. 

“Xã hội hóa” là xu hướng tất yếu, nhưng hiểu sai, vận dụng sai, chi tiêu tiền từ xã hội hóa một cách phung phí, không tuân thủ các quy định về tài chính kế toán, mượn danh nghĩa xã hội hóa để hợp thức hóa những việc không được làm, không nên làm là những vấn đề đáng suy nghĩ hiện nay.

“Xã hội hóa” không phải là cây đũa  thần để chỉ đâu được đấy! 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lạm dụng xã hội hóa