Không chỉ là trách nhiệm của ngân hàng

Bảo Dân| 12/03/2019 16:02
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thời gian qua, nạn cho vay theo kiểu "tín dụng đen" bùng phát với lãi suất cắt cổ đã gây ra nhiều hệ lụy rất nghiêm trọng trong đời sống và trật tự an toàn xã hội.

Chẳng hạn tại Thanh Hóa, cơ quan chức năng đã phá gỡ mạng lưới tín dụng đen của một tập đoàn tài chính đen hoạt động trên địa bàn liên tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hải Phòng, bắt giữ 18 đối tượng cho vay nặng lãi. Đây là “tập đoàn” tài chính Tín Nghĩa có trụ sở chính tại TP.Hải Phòng do Nguyễn Giang Huy 33 tuổi, trú tại quận Lê Chân, TP.Hải Phòng cầm đầu.           

Được biết, Huy đã thành lập công ty hoạt động dịch vụ vận tải nhưng thực chất là cho vay nặng lãi trên địa bàn nhiều tỉnh thành khác. Trong đó, riêng tại Thanh Hóa, đã có 6 chi nhánh được thành lập với các hình thức là phòng bán vé máy bay hoặc cửa hiệu kinh doanh đồ gỗ và cho vay nặng lãi. Mức vay được hạn chế từ 5 đến 70 triệu đồng cho một lần vay, lãi suất từ 182%/năm đến 330%/năm. Tính đến ngày 6/3, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã xác định, tổng số tiền giao dịch của tổ chức tín dụng đen này lên đến trên 200 tỉ đồng và có hơn 50 chi nhánh trên phạm vi toàn quốc.

Theo các giới chức Ngân hàng Nhà nước, tình hình "tín dụng đen" diễn biến phức tạp, do điều kiện cuộc sống và nhu cầu cấp bách, người dân chưa lường hết được tác hại và vẫn đang tìm đến các hình thức cho vay nặng lãi, cùng với hoạt động của xã hội đen đã và đang gây hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt, ảnh hưởng xấu đến đời sống kinh tế, an ninh xã hội.  Mặt khác các tổ chức ngân hàng chậm vào cuộc đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân.

Mới đây, tại Gia Lai, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức hội nghị triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng nhằm hạn chế "tín dụng đen"

Theo Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế- NHNN Nguyễn Quốc Hùng, qua khảo sát 7 tỉnh thành phố, có hai nhóm đối tượng là nhóm người vay sử dụng với mục đích bất hợp pháp như cờ bạc, lô đề, cá độ bóng đá. Nhóm thứ hai là người dân có nhu cầu cấp bách nhưng chưa tiếp cận được vốn ngân hàng nên phải vay từ nguồn vốn không chính thống. Đối tượng công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất có nhu cầu vay tiêu dùng rất lớn, tuy nhiên lại khó tiếp cận nguồn vốn vay tại các ngân hàng thương mại do đối tượng khách hàng này có thu nhập thấp, công việc không ổn định, phần lớn công nhân là người lao động từ các địa phương khác di cư đến khu công nghiệp nên khó xác định yếu tố pháp lý. 

Về giải pháp để góp phần hạn chế "tín dụng đen", Phó Tổng giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng cho biết, ngân hàng này đã triển khai Chương trình tín dụng tiêu dùng quy mô 5.000 tỉ đồng, món vay tiêu dùng tối đa 30 triệu đồng, thủ tục xét duyệt đơn giản,  giải ngân trong ngày.

Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Nguyễn Văn Lý cho biết, Ngân hàng CSXH đã nâng mức cho vay tối đa từ 50 triệu đồng/hộ lên 100 triệu đồng/hộ, không phải đảm bảo tiền vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi và kéo dài thời hạn cho vay từ 60 tháng lên tối đa 120 tháng đối với hộ nghèo…

Lãnh đạo NHNN cho biết sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt Nghị định 116, sửa đổi bổ sung Nghị định 55 để đẩy mạnh cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình sản xuất nông nghiệp nông thôn, nâng mức cho vay không có tài sản đảm bảo lên đến 200 triệu đồng nhằm tạo điều kiện cho người dân khu vực nông nghiệp nông thôn có đủ vốn sản xuất, phục vụ tiêu dùng nhằm góp phần hạn chế người dân tìm đến nguồn vốn tin dụng phi chính thức khác. 

Các chuyên gia nhấn mạnh, để góp phần hạn chế "tín dụng đen", ngoài sự sự vào cuộc của hệ thống ngân hàng, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định về xử lý vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen" với những chế tài cụ thể, rõ ràng và nghiêm khắc hơn.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không chỉ là trách nhiệm của ngân hàng