Khoảng cách tiền lương

Trung Nguyễn| 12/12/2017 06:26
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo nhận định của ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề về xã hội, chính sách tiền lương hiện nay đang tích tụ nhiều bất cập.

Lương bình quân của cán bộ công chức chưa phù hợp với giá trị sức lao động, thấp hơn khá nhiều so với thu nhập bình quân của người lao động làm trong khu vực sản xuất kinh doanh. Tốc độ điều chỉnh tăng lương chậm, mức lương tối thiểu (nay là mức lương cơ sở) chưa bảo đảm được nhu cầu sống cơ bản của cán bộ công chức và gia đình họ.

Tiền lương chưa là động lực để thúc đẩy cán bộ công chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Thậm chí có tác động đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức và năng suất lao động. “Tiền lương và các chế độ đãi ngộ quá thấp đối với 30% cán bộ công chức làm việc tận tâm, có trách nhiệm” – ông Lợi nhấn mạnh.

Không chỉ thế, quan hệ tiền lương của cán bộ công chức vốn đã bình quân, trong quá trình thực hiện càng thể hiện rõ điều này và không so sánh được giữa người làm tốt và chưa tốt. Bởi cơ bản cứ 3 năm lên một bậc lương, “sống lâu lên lão làng” thay vì gắn với trình độ chuyên môn nghiệp vụ, vị trí việc làm và chức vụ.

Tiền lương hiện nay như là phụ cấp, trợ cấp, mới đảm bảo khoảng 50 – 60% mức sống tối thiểu cho người lao động. Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc cho rằng lao động công chức là những người làm công việc đặc biệt.

Đó là lao động trí tuệ, có trách nhiệm cao, gắn với quyền lực; không chỉ làm chấp pháp, họ còn xây dựng và ban hành chính sách pháp luật của quốc gia. Thế nhưng, đến nay đội ngũ lao động đặc thù này vẫn phải hưởng đồng lương thấp nhất so với thu nhập của mặt bằng xã hội (tính trên văn bản). “Mỗi lần tăng lương chỉ từ 0,25 - 0,3, tương đương vài trăm ngàn đồng, mà 3 năm mới lên được 1 bậc lương. Hệ thống thang bản lương còn phức tạp, không phản ánh đúng giá trị lao động của người công chức” – ông Phúc nói.

Những bất cập trong chính sách tiền lương hiện hành cũng đã được UBND TP HCM nêu ra tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công. Báo cáo của UBND TP HCM cho biết, chính sách tiền lương hiện hành chưa tạo được động lực làm việc cho công chức, viên chức và người lao động.

Cụ thể, trong khu vực hành chính, sự nghiệp, lương cơ bản thấp và chậm điều chỉnh, mức tăng chủ yếu bù đắp trượt giá, chưa bảo đảm nhu cầu sống cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức, thấp hơn nhiều so với lương tối thiểu vùng của khu vực sản xuất- kinh doanh (1,3 triệu đồng so với hơn 3 triệu đồng). Hệ thống thang, bảng lương khối hành chính nặng về bằng cấp, chưa phản ánh được trình độ, chất lượng đáp ứng công việc hoặc chức vụ đảm nhận.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ghi nhận, việc thiết kế chính sách tiền lương phải bảo đảm thu hẹp chênh lệch giữa khối hành chính và doanh nghiệp, thực sự là động lực cho hoạt động công vụ và sản xuất kinh doanh, trả lương theo vị trí việc làm, chức vụ chứ không cào bằng, bình quân như hiện nay, đổi mới, xây dựng cơ cấu quỹ lương bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong chi trả lương cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, cùng với Nghị quyết số 18 và số 19 của Hội nghị Trung ương 6 khoá XII về tinh giản biên chế và đổi mới cơ chế hoạt động, nâng chất lượng dịch vụ của các đơn vị sự nghiệp công lập, chúng ta sẽ tiến tới thực hiện thành công cải cách chính sách tiền lương, BHXH tạo động lực cho sự phát triển của người lao động, doanh nghiệp và quốc gia trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khoảng cách tiền lương