Kêu gọi và trừng phạt

Trung Nguyễn| 14/05/2019 06:36
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Phát biểu tại chương trình, chức phát động đi bộ kêu gọi hành động “Đã uống rượu bia - Không lái xe”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định Nhà nước sẽ bổ sung hình thức, tăng tính răn đe của các chế tài xử phạt hành vi vi phạm nồng độ cồn khi lái xe.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, từ năm 2012 đến nay, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của người dân, tai nạn giao thông liên tục kéo giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương. Từ chỗ mỗi năm có gần 12.000 người chết vì tai nạn giao thông, đến năm 2018, con số này đã giảm còn trên 8.000 người. 

Tuy nhiên, kết quả trên không cho phép chúng ta quên rằng mỗi ngày tai nạn giao thông vẫn cướp đi 21 sinh mạng và làm gần 40 người bị thương tật vĩnh viễn suốt đời, mang đến những nỗi đau không gì bù đắp nổi cho gia đình, người thân và cộng đồng. Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông do lái xe vi phạm nồng độ cồn gây ra, điển hình là 2 vụ tai nạn giao thông ngày 22/4 và 1/5/2019 tại Hà Nội, đã cướp đi ba người mẹ khiến năm cháu nhỏ đang hạnh phúc ấm êm bỗng trở nên bất hạnh, côi cút, vĩnh viễn không còn mẹ. 

Phó Thủ tướng cho biết, pháp luật nghiêm cấm hành vi lái xe uống rượu bia nhưng hàng ngày, hàng giờ vẫn phải chứng kiến những chiếc “xe điên” do người say xỉn tạo nên, phóng điên cuồng trên đường phố, gây nên những cái chết đau thương, biến bao gia đình trở thành bất hạnh. 

Từ đó, Phó Thủ tướng kêu gọi người dân “Đã uống rượu bia - Không lái xe” và Nhà nước sẽ bổ sung hình thức, tăng tính răn đe của các chế tài xử phạt hành vi vi phạm nồng độ cồn khi lái xe. 

Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, trừng phạt những người lái xe vi phạm chính là hành động nhân văn để bảo vệ sự an toàn của chính người đó và sự an toàn cho cộng đồng và xã hội. Đối với người vi phạm, đó chính là một bài học quý, giúp họ không vi phạm và không gây ra tai nạn giao thông trong tương lai.

Trước đó, tại một hội thảo, ý kiến của một số luật gia cho rằng, theo khoản 5 Điều 260 Bộ luật hình sự 2015, trường hợp vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

Như vậy pháp luật đã quy định rõ, cái đang thiếu là văn bản hướng dẫn thực hiện nội dung này. Cần có văn bản hướng dẫn những trường hợp nào uống rượu bia say hoặc "ngáo đá" mà nếu không ngăn chặn kịp thời có thể gây nguy hiểm tính mạng nhiều người để xử lý theo điều 260 Bộ luật hình sự.

Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Phó trưởng phòng tuyên truyền và phổ biến pháp luật về an toàn giao thông - Cục Cảnh sát giao thông nhấn mạnh, về mặt hình sự cần nhìn nhận một người uống rượu bia, dùng chất kích thích rồi lái xe là vô cùng nguy hiểm. "Nhật Bản quy định xử lý hình sự với người uống rượu bia rồi lái xe thì không chỉ người đó chịu trách nhiệm hình sự khi chưa gây hậu quả mà người ngồi cùng xe biết tài xế uống rượu rồi vẫn lái xe cũng bị trách nhiệm hình sự, người bán rượu cho tài xế cũng bị liên đới" - ông Nhật nói.

Ông Đỗ Đức Hồng Hà, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cũng cho rằng cần sớm có văn bản hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TANDTC để thực hiện việc xử lý hình sự hành vi uống rượu bia lái xe chưa gây hậu quả, nhưng có khả năng thực tế gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kêu gọi và trừng phạt