Học cách chi hay tìm nguồn thu?

Biên Thùy| 16/04/2018 12:59
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mỗi lần Bộ Tài chính đưa ra đề xuất về một sắc thuế ngay lập tức dư luận phản ứng gay gắt, sự phản ứng kèm theo sự phẫn nộ, hoang mang.

Đề xuất đánh thuế nhà có giá trị vượt mức 700 triệu đồng của Bộ Tài chính đang tạo ra một cơn sóng phản ứng dữ dội của dư luận. 

Theo đó, với đề nghị xây dựng Luật Thuế tài sản, Bộ này dự kiến đánh thuế đối với nhà, đất ở, tàu bay, du thuyền, ô tô có giá trị 1,5 tỷ đồng trở lên. Cụ thể, với nhà ở, Bộ Tài chính xây dựng 2 phương án đánh thuế: một là đối với nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên; hai là nhà ở có giá trị 1 tỷ đồng trở lên.

Bộ Tài chính đề nghị nghiêng về áp dụng phương án đánh thuế 0,4% với nhà có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên.

Với mục tiêu sốt sắng là ngân sách nhà nước sẽ có thêm khoản thu 30.000 tỷ đồng, Bộ Tài chính dường như vội vã đưa ra một đề xuất vô lý, thiếu lập luận khiến không ít người thảng thốt.

Căn cứ để Bộ Tài chính đưa ra sắc thuế mới đều dập khuôn theo những lập luận cũ rích mà Bộ này từng đưa ra trong những lần giới thiệu sắc thuế mới trước đó như tăng thuế giá trị gia tăng, thuế môi trường...Trong đó có một căn cứ rất quen thuộc là dựa trên kinh nghiệm và thông lệ của các nước trên thế giới.

Xin thưa với Bộ Tài chính, cách quản lý đồng tiền thuế của người dân tại các nước khác xa với Việt Nam. Những đặc quyền của người dân các nước trên thế giới được hưởng từ tiền túi mà họ bỏ ra để đóng thuế cũng khác ta nhiều lắm. Sao Bộ lại không lấy những thông lệ, những kinh nghiệm ấy ra mà so sánh?

Điều quan trọng nhất trước khi đưa ra đề xuất một sắc thuế, Bộ Tài chính phải khảo sát, điều tra thực tế để đưa ra con số, số liệu thuyết phục thì Bộ lại không làm được điều này. Việc đưa ra đề xuất nhưng lập luận thiếu thuyết phục, thông tin kiểu "quăng bom" khiến dư luận không đồng tình.

Thuế môi trường, thuế giá trị gia tăng rồi mới nhất là thuế tài sản dù được giải thích bằng hoa ngôn nào đi chăng nữa cũng không bằng một khảo sát khoa học, lắng nghe ý kiến các chuyên gia, tâm tư nguyện vọng của người dân. Chính sách suy cho cùng là sự đồng thuận của xã hội chứ không phải là sự áp đặt từ một phía.

Không dưới một lần, tôi cho rằng, Bộ Tài chính cần làm tốt động lực giải quyết bài toán căn cơ trong thời điểm hiện tại là cơ cấu lại nguồn thu ngân sách bằng việc cắt giảm mạnh chi tiêu thường xuyên và làm tốt việc thu các khoản thuế hiện hữu. 

Nếu Bộ Tài chính vẫn giữ nguyên lập luận, quan điểm của mình về các sắc thuế mới đồng nghĩa với việc Bộ đang dần đánh mất đi động lực giải quyết bài toán trên. Việc cố lấp đầy các lỗ hổng do thiếu hụt ngân sách lúc này chỉ giải quyết khó khăn trước mắt, trong khi người dân chịu cảnh thuế chồng thuế, nền kinh tế phải gồng mình trước gánh nặng chi tiêu.

Những đề xuất thuế dồn dập theo kiểu "knock-out" khiến người dân choáng váng của Bộ Tài chính càng cho thấy những khó khăn trong việc cân đối thu chi ngân sách nhà nước.

Những thông tin về hàng loạt các dự án đội vốn hàng chục ngàn tỷ, nhiều công trình đắp chiếu, đầu tư công thiếu hiệu quả khiến ngân sách thâm hụt đã cho thấy những bất cập trong quản lý chi tiêu chứ không phải ở nguồn thu. Trách nhiệm đó là của Bộ Tài chính.

"Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm", trong thời điểm này, Bộ Tài chính nên học cách chi, học cách nuôi dưỡng nguồn thu hiện có hơn là ngồi toan tính tìm ra các sắc thuế để tăng gánh nặng cho dân.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Học cách chi hay tìm nguồn thu?