Hết thời “hạ cánh an toàn”!

Bảo Dân| 30/05/2017 06:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 25/5, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để xem xét báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị thi hành kỷ luật ông Nguyễn Văn Thiện, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định.

Ban Bí thư đánh giá những vi phạm của ông Thiện khi giữ chức Bí thư Tỉnh ủy đã ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức Đảng và cá nhân ông Thiện.

Ban Bí thư đã bỏ phiếu kín với kết quả 100% thi hành kỷ luật ông Thiện bằng hình thức cảnh cáo. Vậy là lại có thêm một cán bộ cao cấp bị xem xét kỷ luật dù đã về hưu, nghĩa là đã không còn việc “hạ cánh an toàn” dù từng có những vi phạm khi đương chức.

Trước đó, Bộ Công an đã khởi tố ông Phí Thái Bình, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Vinaconex, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Sự kiện này được dư luận xã hội đánh giá là một quyết định thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc xử lý người đứng đầu có hành vi vi phạm pháp luật khi đương chức ngay cả khi họ đã nghỉ hưu. Động thái này, đáp ứng được mong muốn, nguyện vọng của nhân dân Thủ đô và nhân dân cả nước.

Đối với người dân Hà Nội, sự cố 20 lần vỡ đường ống cấp nước sạch trong thời gian qua ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của gần 18 vạn cư dân và hoạt động của các doanh nghiệp. Vụ án xảy ra từ đầu năm 2012, nhiều người liên quan đã bị truy tố. Đến nay CQĐT của Bộ Công an mới ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Phí Thái Bình về hành vi “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Vinaconex. Trước đó, tháng 2/2016, VKSNDTC đã ra cáo trạng truy tố 9 bị can liên quan tới việc đường ống dẫn nước sông Đà liên tục bị vỡ về tội danh trên. Nay cơ quan điều tra của Bộ Công an vào cuộc khởi tố ông Bình cho thấy công dân dù ở vị trí nào đều phải chấp hành pháp luật, tính thượng tôn của pháp luật đã được thực hiện kể cả với những người giữ chức vụ và không còn giữ chức vụ.

Người dân đánh giá trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta đưa ra các quyết định xử lý với các cán bộ nguyên lãnh đạo, thậm chí lãnh đạo cấp cao đương chức do có vi phạm như các trường hợp nguyên lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên Môi trường, tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Hậu Giang trong vụ Fomosa và Trịnh Xuân Thanh là thực hiện xây dựng Đảng, là thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm, không loại trừ bất cứ ai, vị trí nào, nếu vi phạm pháp luật đều bị xử lý một cách công bằng, nghiêm minh. Điều này sẽ lấy lại niềm tin của người dân vào quyết tâm của các cấp lãnh đạo rằng, dù ở bất cứ cương vị gì, đương chức hay nghỉ hưu, nếu vi phạm pháp luật đều phải xử lý đúng quy định của pháp luật.

Theo các chuyên gia pháp luật, việc cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Phí Thái Bình, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội là việc làm kế tiếp của việc điều tra từ trước liên quan đến vụ vỡ đường ống nước sông Đà. Điều này phù hợp với tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 và Nghị quyết Trung ương 5 mới đây.

Về hưu vẫn có thể bị xử lý kỷ luật, thậm chí bị xem xét trách nhiệm hình sự, đó chính là yêu cầu của thượng tôn pháp luật, công bằng, minh bạch trong thực thi luật pháp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hết thời “hạ cánh an toàn”!