Đừng lửng lơ với tính mạng của "hiệp sĩ" nữa!

Biên Thùy| 15/05/2018 13:44
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Con mất cha, vợ mất chồng, nỗi đau của gia đình các "hiệp sĩ" máu đổ đỏ đường dưới mũi dao của những tên cướp hung tợn bao giờ mới chấm dứt?

Có lẽ đến bây giờ, sau gần 8 năm câu chuyện về "hiệp sĩ" Nguyễn Xuân Chinh (huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) tử nạn trong quá trình truy đuổi tội phạm ít người còn nhớ. 

Khi nằm xuống, Nguyễn Xuân Chinh mới 27 tuổi. Gia cảnh nghèo, bố mẹ làm công nhân cạo mủ cao su, Chinh lại là con trai duy nhất. 

Trong khoảng thời gian ngắn tham gia vào Câu lạc bộ phòng chống tội phạm, thành tích của Chinh là 80 lần tham gia truy bắt tội phạm thành công. Chinh ra đi để lại niềm tiếc thương vô hạn cho người thân, những tấm bằng khen và ước mơ trở thành một luật sư còn dang dở.

Hôm kia, câu chuyện đau đớn tương tự gần 8 năm trước lại tái diễn. Hai "hiệp sĩ" đã tử vong chỉ trong tích tắc dưới mũi dao của những kẻ hung tợn. 

Hôm qua, khi đến thăm hỏi, động viên và gửi lời cảm ơn đến các "hiệp sĩ" bị thương đang điều trị tại bệnh viện, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, thành phố đang tính đến phương án trang bị áo giáp cho các "hiệp sĩ" bằng vốn xã hội hóa.

Một tấm áo giáp hộ thân không phải là giải pháp lâu dài, thưa Bí thư Thành ủy. "Hiệp sĩ" không phải là lực lượng định danh, công cụ chuyên chính, được hưởng lương từ tiền thuế của dân để thường xuyên, liên tục làm thay chức năng của Nhà nước như thế.

Hãy nhìn nhận nghiêm túc như một sự thiếu sót, thậm chí sai lầm khi khuyến khích một phong trào tự nguyện như "hiệp sĩ". Và đến lúc phải hoàn thiện nó trên một nguyên tắc của pháp luật, nhà nước đảm bảo tuyệt đối an toàn cho tính mạng, tài sản của người dân.

Trong buổi họp báo sáng 15/5, Phó Giám đốc Công an TP.HCM Phan Anh Minh thừa nhận mô hình "hiệp sĩ" cho đến nay vẫn chưa có quy chế nào cụ thể và các tổ, nhóm "hiệp sĩ" xuất hiện ngày càng nhiều. Ông Minh cũng cho rằng, sự hiện diện của các "hiệp sĩ" ở Sài Gòn đóng góp một phần quan trọng trong công tác phòng chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự của thành phố.

Vì sao mô hình "hiệp sĩ" lại phát triển ngày càng nhiều? Cướp giật ngày càng lộng hành, càng sinh sôi hay năng lực đảm bảo trật tự trị an của lực lượng chuyên chính yếu đi? Khi thành tích của những "hiệp sĩ đường phố" ngày càng dày lên thì chúng ta phải tự đặt câu hỏi, vai trò của chính quyền, của lực lượng chuyên trách đó ở đâu?

Có lẽ chúng ta đang hiểu lầm hoặc có thể áp dụng sai tinh thần "toàn dân tham gia phòng chống tội phạm" chăng? Người dân chỉ là tai mắt, là kênh thông tin chứ không thể mang tính mạng ra để làm gương cho một phong trào.

Những "hiệp sĩ" không tư lợi, không nhận được một hào nào từ tiền thuế của dân mà chỉ âm thầm cống hiến. Thế nhưng không có nghĩa rằng, vì họ tự nguyện mà lửng lơ với tính mạng của họ.

Những Lục Vân Tiên đường phố tay không tấc sắt hỏi lấy gì để vô hiệu hóa sự liều lĩnh, manh động của những kẻ cùng đường? Những đối tượng mà ngay cả Phó giám đốc Công an thành phố phải đánh giá là cực kỳ hung bạo. Và sự thực là như vậy, chỉ trong vòng 13 giây theo ghi nhận của camera an ninh, cả 5 "hiệp sĩ" đã bị tên cướp đâm gục.

Đừng để người dân phải đánh đổi tính mạng gánh thay công việc mà họ thiếu chuyên môn, không phải thẩm quyền. Nếu không nhìn nhận, đánh giá một cách tỉnh táo, rành mạch thì những chuyện đau buồn như ngày hôm kia sẽ còn tái diễn. Thực tế đó chẳng phải là nỗi đau của xã hội hay sao?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đừng lửng lơ với tính mạng của "hiệp sĩ" nữa!