Đừng để lòng tin rỉ sét như tàu vỏ thép

Biên Thùy| 25/06/2017 06:53
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cuối cùng thì người đứng đầu Trung tâm Đăng kiểm thuộc Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cũng nhận trách nhiệm về 18 con tàu vỏ thép hư hỏng phải nằm bờ của ngư dân Bình Định.

Và cuối cùng thì sự phẫn nộ, nỗi thất vọng của những ngư dân cũng đã được trả lời. Một sự thật xót xa. Một chủ trương lớn của quốc gia rất có thể đã trở thành một miếng mồi ngon cho nhóm lợi ích, móc ngoặc ăn chia lợi nhuận.

Kết quả sơ bộ của Tổ thẩm định độc lập cho thấy, 5 tàu cá do Công ty Đại Nguyên Dương đóng thép xuất xứ từ Trung Quốc, 12 tàu cá do Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Bộ Công an) đóng có nguồn gốc xuất xứ Hàn Quốc. Điều đáng nói, từ máy chính đến máy phụ nhiều tàu có vấn đề, thậm chí có máy phụ do Trung Quốc sản xuất (CO ghi máy lắp ráp tại Singapore). Trong 12 tàu bị rỉ sét thì 5 tàu có phần vỏ tàu, mặt boong, cabin, trang thiết bị rỉ sét nặng, bong tróc, xuống cấp trầm trọng.

Đừng để lòng tin rỉ sét như tàu vỏ thép

Con tàu vỏ thép rỉ sét, xuống cấp sau một thời gian ngắn sử dụng

Ông Đào Hồng Đức, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm thuộc Tổng cục Thủy sản đã thừa nhận: "Rõ ràng có sai sót của anh em, kiểm tra khi chưa xem kỹ toàn bộ những vấn đề liên quan, có những máy cải tạo, làm giả rất tinh vi”.

Vâng, nó rất tinh vi thưa ông Đào Hồng Đức. Chính vì sự gian dối rất tinh vi ấy nên mới tồn tại những đơn vị đăng kiểm và cần trình độ chuyên môn, sự tinh tường của các vị. Đăng kiểm mà "chưa xem kỹ" đã chấp thuận cho tàu hạ thủy thì đó chính là sự thiếu trách nhiệm.

Hàng loạt tàu vỏ thép sai chủng loại, động cơ không đồng bộ, sai lệch giữa hồ sơ và thực tế mà cơ quan đăng kiểm không phát hiện ra thì chẳng phải là đăng kiểm yếu kém về chuyên môn, ngờ nghệch về trình độ hay sao?

Nếu còn có cách giải thích nào khác cho những vấn đề trên thì chẳng lẽ nghi vấn của người dân về những cái bắt tay giữa cơ quan đăng kiểm và doanh nghiệp đóng tàu là có thật?

Ông Đào nói, cho đến thời điểm này chưa phát hiện thấy tiêu cực của đăng kiểm viên!? Thế thì, hẳn là đăng kiểm viên có vấn đề về trình độ kiểm định. Thật nguy hiểm nếu cứ để những con người ấy đảm nhiệm một công việc vượt quá khả năng của họ. Người dân cũng không thể còng lưng góp cơm, góp gạo để nuôi một bộ máy như thế. Thật tồi tệ quá sức tưởng tượng.

Nói thêm về những gương mặt góp phần làm ra những con tàu vỏ thép "ọp ẹp". Trong số 37 con tàu vỏ thép đóng mới ở Bình Định, có đến 18 tàu gặp sự cố đều rơi vào 2 đơn vị là Công ty Nam Triệu thuộc Bộ Công an và Công ty Đại Nguyên Dương (Nam Định).

Đó là những đơn vị trực tiếp ký hợp đồng đóng tàu với ngư dân. Họ đã được những gì sau những hợp đồng béo bở ấy? Tất nhiên rồi, một đơn vị làm kinh tế thì lợi nhuận chính là cái đích đến quan trọng hàng đầu. Những doanh nghiệp đó có cố tình trục lợi từ số tiền Nhà nước hỗ trợ ngư dân đóng tàu để vươn khơi bám biển hay không thì vẫn là một câu hỏi.

Nhìn những con tàu vỏ thép nằm dài thườn thượt ở bờ biển cùng những vết thương mỗi ngày thêm trầm trọng mà thấy xót xa. Kỳ vọng về những con tàu cỡ lớn rẽ sóng vươn khơi, khẳng định chủ quyền biển, đảo Tổ quốc bỗng chốc chỉ như một giấc mơ.

Người dân đang chờ đợi vào một cuộc điều tra, một quyết định khởi tố hình sự để làm rõ nghi vấn xung quanh những con tàu vỏ thép bị hư hỏng.

Những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước luôn đúng đắn và phù hợp với nguyện vọng, củng cố lòng tin vững chắc của nhân dân. Đừng để lòng tin ấy cũng biến thành rỉ sét.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đừng để lòng tin rỉ sét như tàu vỏ thép