Đừng biến nhà thành...nhà tù, thưa các vị!

Biên Thùy| 15/11/2018 11:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hãy trả lời, vì sao tội phạm sinh sôi dẫn đến quá tải nhà tù? Giải pháp nào để ngăn chặn tội phạm chứ đừng phí thời gian nghiên cứu để biến ngôi nhà ở thành nơi giam giữ.

Tại phiên thảo luận về Dự thảo Luật Thi hành án hình sự sửa đổi chiều 12/11, ông Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán Nhà nước đề nghị nghiên cứu hình thức “tù tại gia” để giảm bớt áp lực quá tải trại giam, tiết kiệm ngân sách.

Sau khi có đề xuất này, đã có rất nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau, trong đó nhiều người phản đối nhưng cũng có không ít ý kiến đồng tình. Hình thức "tù tại gia" đã có từ rất lâu trên thế giới và nhiều quốc gia hiện đang áp dụng nhưng nếu thực hiện ở nước ta liệu có ổn không?

Theo đại biểu Phớc "tù tại gia" cũng có thể là một hình thức giam giữ. Ví dụ, người đó được giam giữ trong "khung nhà sắt" rồi giao cho gia đình chăm sóc, đến bữa ăn cho ăn, còn giám thị sau này định kỳ hoặc đột xuất kiểm tra, nếu để trốn thì gia đình phải chịu trách nhiệm. Hoặc có thể làm như một số nước là gắn chip để theo dõi, đối tượng "tù tại gia" chỉ được di chuyển trong một khu vực nhất định.

Bên hành lang Quốc hội, Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cũng đã phân tích rõ hơn đề xuất của mình. Ông cho rằng, hình thức "tù tại gia" chỉ nên áp dụng với những tội phạm "không nghiêm trọng", như tội như cố ý gây thương tích hoặc vi phạm trong đối xử với bố mẹ, anh em...Còn với những tội nghiêm trọng về ma tuý, tham nhũng, giết người, tội phạm an ninh quốc gia thì phải đưa vào tù tập trung, cách ly khỏi xã hội. 

Cũng theo quan điểm của ông Phớc, "tù tại gia" không chỉ giúp giảm áp lực cho các nhà tù, giảm ngân sách quốc gia chi cho các tù nhân mà còn có tác dụng về giáo dục, khiến người vi phạm phải xấu hổ với cộng đồng, làng xóm và gia đình.

Người viết nhận thấy đề xuất này thực là khó, ấy thế mà đại biểu cũng nghĩ ra được. 

Được biết, Bộ luật hình sự phân chia 4 loại tội phạm, gồm: Tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Như vậy là không có loại tội phạm nào "không nghiêm trọng" như đại biểu nói. 

Với nhóm tội phạm ít nghiêm trọng thì hiện nay pháp luật đã áp dụng hình phạt tù treo đối với các trường hợp hội đủ các điều kiện được quy định tại Nghị quyết 02/2018 của Hội đồng Thẩm phán. Ngoài ra, pháp luật cũng có quy định về cải tạo không giam giữ đối với người bị kết án kèm theo các điều kiện cụ thể. "Tù tại gia" dù không mới trên thế giới nhưng áp dụng ở nước ta, xét trên môi trường pháp lý và quản lý xã hội đều không khả thi.

Đại biểu còn đưa ra ý tưởng nhốt tội phạm trong "khung nhà sắt" thì cũng phải...ngả nón bái phục. Người bị kết án tù mục đích là để cách ly họ khỏi xã hội, nhằm giáo dục, răn đe và để họ ăn năn, hối cải về hành vi của mình đã gây ra. Họ chỉ bị hạn chế một số quyền công dân cơ bản, họ vẫn là con người chứ đâu phải trâu, bò, chó, lợn mà đem nhốt...vào chuồng. Cũng nói thêm với đại biểu, không chỉ người vi phạm thấy xấu hổ đâu ạ, mà cha mẹ, vợ con cũng đến...nhục mà chết chứ chả đùa.

Ngôi nhà là nơi ươm mầm cho tương lai, nuôi dưỡng, phát triển tâm hồn chứ không phải nơi lý tưởng để giam giữ mầm ác. Các vị thử hình dung, một đứa trẻ sẽ nghĩ thế nào khi thấy ông, cha, bà, chú bị nhốt trong "lồng sắt", cho cơm thì được ăn, mở khóa được ra? Cách làm ấy thật bất nhẫn với những người vô tội.

Điều căn cốt các vị phải nghiên cứu, phải đề xuất là giải pháp nào để không sinh sôi tội phạm? Phải trả lời câu hỏi do đâu mà tội phạm ngày càng nhiều đến nỗi quá tải nhà tù? 

Trước đề xuất của ông Phớc, Thượng tướng Tô Lâm cho rằng Bộ Công an sẽ tiếp nhận để "nghiên cứu". Còn người viết thì xin các vị, đừng mất thời gian, tiền bạc nghĩ cách để biến nhà ở thành...nhà tù!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đừng biến nhà thành...nhà tù, thưa các vị!