Độc quyền và cải cách

Trung Nguyễn| 13/07/2018 06:34
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau nhiều năm đổi mới kinh tế và mở cửa, số lượng các ngành, lĩnh vực còn độc quyền nhà nước đã giảm nhưng vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra.

Tại Hội thảo khoa học “Cải cách độc quyền nhà nước trong các ngành công nghiệp mạng lưới” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức, ý kiến của các chuyên gia cho rằng 4 lĩnh vực độc quyền mạng lưới (điện, viễn thông, đường sắt và hàng không) ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng, giá thành và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, cải cách độc quyền nhà nước trong các ngành công nghiệp mạng lưới là vấn đề được đặt ra ở rất nhiều quốc gia trên thế giới, không chỉ ở Việt Nam. Tuy nhiên, khi nhiều nước đã thành công trong việc giảm tối đa hoặc xóa bỏ độc quyền trong các ngành này thì Việt Nam mới đang “loay hoay” trong giai đoạn chuyển đổi từ độc quyền nhà nước hoàn toàn sang cạnh tranh một phần.

Theo bà Phạm Chi Lan, Việt Nam vẫn đang theo đuổi nền kinh tế thị trường định hướng XNCN, theo đó kinh tế Nhà nước là chủ đạo và DNNN vẫn là bộ phận quan trọng của thành phần kinh tế đó. Về nguyên tắc, các thành phần kinh tế đều bình đẳng và đã có nhiều chính sách cụ thể để thực thi yêu cầu này, nhưng trên thực tế, trong một số chính sách vẫn có một loạt các điều kiện trói buộc, mang tính “đánh đố” cao, khiến các DN ngoài Nhà nước “chùn chân” và gần như không có cửa tham gia một số lĩnh vực.

Bên cạnh đó, hệ thống quản trị DNNN chưa đủ công khai, minh bạch và thiếu trách nhiệm giải trình dẫn tới các yếu kém của DNNN, nhất là trong các lĩnh vực độc quyền tiếp tục tồn đọng, chậm bị phát hiện.

Dẫn ra ví dụ ở cả nhiều lĩnh vực đã được cổ phẩn hóa, tỷ lệ cổ phần nắm giữ của Nhà nước vẫn chiếm tới 50-60%, bà Lan cho rằng một tỷ lệ quá lớn như vậy không thể tạo động lực cho tư nhân, khuyến khích cạnh tranh khi họ chỉ có thể bỏ tiền vào mà không có quyền điều hành.

Còn theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, mặc dù trong Luật Cạnh tranh đã có đề cập nhưng đến nay vẫn chưa có cơ quan đủ thẩm quyền để giám sát độc quyền.  Trong 4 ngành kể trên, mức độ độc quyền mạng lưới cũng có sự khác nhau. “Ngành điện có mức độ độc quyền rất cao, trong khi đó đường sắt lại tự độc quyền với mạng lưới của mình nhưng không đủ sức cạnh tranh với các loại hình vận tải khác, cộng thêm với những ‘sai sót’ không đáng có gây nên những tai nạn nghiêm trọng trong thời gian qua khiến thị phần ngành này ngày càng giảm", ông Doanh nhận định.

Bà Phạm chi Lan cho rằng, Việt Nam cần thực hiện theo đúng lộ trình đã cam kết trong các FTA và những cam kết quốc tế khác. Đồng thời, ứng dụng tối đa các công nghệ hiện đại vào hệ thống quản trị của các DN và hệ thống quản trị của Nhà nước với các DN mạng lưới để năng cao tính hiệu quả và năng lực canh tranh.

Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia Lê Đăng Doanh cho rằng, để giảm mức độ độc quyền “chỉ ứng dụng khoa học công nghệ mới có hi vọng”.

Theo kiến nghị của các chuyên gia và của Viện CIEM, trong bối cảnh thực tiễn đặt ra cần tái cơ cấu nền kinh tế. Đồng thời, thúc đẩy việc cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; hội nhập quốc tế sâu rộng và thích nghi với những tác động mạnh mẽ của tiến bộ khoa học công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; Chính phủ cần tiếp tục cải cách, xác định khâu cần duy trì sở hữu nhà nước và có cách quản lý, giám sát, tránh chuyển từ độc quyền nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Độc quyền và cải cách