“Điểm nghẽn” trong thực hiện tự chủ

Trung Nguyễn| 11/11/2019 20:45
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đến nay Chính phủ chưa ban hành các Nghị định quy định cơ chế tự chủ các lĩnh vực giáo dục, đào tạo; dạy nghề; y tế; văn hóa, thể thao và du lịch; thông tin truyền thông và báo chí, vì vậy chưa có căn cứ để xây dựng Thông tư hướng dẫn.

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) cho rằng, việc thực hiện chủ trương tự chủ của các đơn vị công lập như hiện nay vẫn còn nhiều điểm bất cập như: Quyền tự quyết của các đơn vị tự chủ, quyền tuyển dụng lao động, quyết định lương hay các vấn đề sử dụng các tài nguyên của đơn vị, tài sản công, liên kết với các đơn vị khác... Các bất cập này đã được các địa phương, đơn vị nhiều lần đề cập nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục.

Nhấn mạnh đây là điểm nghẽn lớn trong việc thực hiện chủ trương đúng đắn của Đảng ta về  giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập, đại biểu yêu cầu Bộ trưởng cho biết đâu là nguyên nhân bất cập với vai trò của mình, Bộ trưởng giải quyết như thế nào?

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, tổng biên chế sự nghiệp của nước ta  là khoảng 1.800.000 người, riêng giáo viên khoảng hơn 1.500.000 người, chiếm tỷ lệ rất lớn.

Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, phần lớn địa phương phản ánh số giáo viên hiện nay không đủ để đứng lớp, kể cả ngành y tế cũng không đủ nhân viên y tế trong các bệnh viện. Để giải quyết những vấn đề như các đại biểu nêu, Bộ trưởng cho biết, Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ và trình Bộ Chính trị, đã có kết luận và bước đầu giải quyết được 19 tỉnh.

Bộ Nội vụ cũng đã thông báo cho 63 tỉnh, thành phố thống kê lại tất cả lực lượng giáo viên còn thiếu và kể cả lực lượng y tế trong các cơ sở điều trị từ tuyến tỉnh trở xuống để báo cáo thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị theo đúng tinh thần “có người học phải có giáo viên đứng lớp, có người bệnh phải có nhân viên y tế để chăm sóc”.

Thống kê bước đầu Bộ Nội vụ nhận được là 87.000 giáo viên các cấp còn thiếu, riêng ngành y tế khoảng hơn 12.000. Vấn đề này Bộ Nội vụ đã có báo cáo và xin chủ trương của Thủ tướng giao cho Bộ Nội vụ phối hợp với các Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo xác minh cụ thể từng địa phương và sẽ có đề xuất Chính phủ và Bộ Chính trị để tiếp tục bổ sung biên chế.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân khẳng định, chúng ta phải tiến hành sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập, đó là cái gốc của vấn đề. Cũng theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, riêng đối với giáo viên, Bộ đã làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo và kiến nghị Chính phủ cho ban hành một nghị quyết riêng về biên chế giáo viên vì đây là lĩnh vực đặc thù.

Theo Nghị quyết số 39/NQ-CP ngày 11/6/2019 của Chính phủ, Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL) trong các lĩnh vực, thay thế Nghị định số 16/2015/NĐ-CP. Như vậy, sẽ có quy định mới về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp.

Trước đó, cử tri tỉnh Lạng Sơn đề nghị cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập (các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, phát thanh truyền hình) theo quy định tại Nghị định 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo Bộ Tài chính, đến nay Chính phủ chưa ban hành các Nghị định quy định cơ chế tự chủ các lĩnh vực giáo dục, đào tạo; dạy nghề; y tế; văn hóa, thể thao và du lịch; thông tin truyền thông và báo chí, vì vậy chưa có căn cứ để xây dựng Thông tư hướng dẫn.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Điểm nghẽn” trong thực hiện tự chủ