Đề án xài tiền kiểu bất chấp

Biên Thùy| 22/05/2018 12:59
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đề án "Đổi mới thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH-CĐ sư phạm, trung cấp sư phạm hệ chính quy giai đoạn 2018-2020" với khái toán tổng kinh phí thực hiện là 749 tỷ đồng.

Sau khi dư luận, báo chí phản ánh, ngay lập tức, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã chỉ đạo thu hồi đề án này để tiếp tục hoàn thiện.

Về nguyên nhân thu hồi đề án, người đứng đầu ngành giáo dục xét thấy nội dung về tài chính được tính toán tích hợp từ nhiều nguồn liên quan, có sự trùng lắp, một số nội dung thiếu khả thi. Ngoài ra, bộ cũng phát hiện và thừa nhận có một số khoản mục là chi phí gián tiếp chứ không trực tiếp cho hoạt động tổ chức thi. 

Dù đã nhanh chóng thu hồi nhưng không có nghĩa rằng những người trong nhóm soạn thảo, người ký phê duyệt cái đề án kiểu xài tiền bất chấp này không bị xử lý trách nhiệm.

Chưa thể khẳng định việc lập đề án với số tiền "khủng", thiếu tính khả thi có nhằm mục bòn rút ngân sách vốn dĩ đang rất khó khăn hay không nhưng 750 tỷ cho đề án thi 3 năm quả là một cách "đốt tiền" không tiếc tay.

Không những vậy, tên đề án là "Đổi mới thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH-CĐ sư phạm, trung cấp sư phạm hệ chính quy giai đoạn 2018-2020" nhưng theo chính nội dung đề án này, thì trong ba năm thực hiện (từ năm 2018-2020), kỳ thi THPT quốc gia về cơ bản không thay đổi so với phương án thi THPT quốc gia đã thực hiện năm 2017 và phương thức thi THPT quốc gia năm 2018 đã công bố.

Vậy "đổi mới" ở đây là gì? Phải chăng là kiểu "núp bóng đổi mới", "thừa giấy vẽ voi" để cho ra số tiền 750 tỷ đồng?

Những thập kỷ vừa qua, giáo dục thay đổi xoành xoạch đến chóng cả mặt nhưng rút cục kết quả không được như kỳ vọng. Số tiền đổ vào những lần cải cách này hẳn là không ít, nhưng những tồn tại, yếu kém của ngành giáo dục vẫn chưa được khắc phục.

Ấy thế mà, mỗi lần Bộ này "trình làng" những đề án, những giải pháp "đột phá" đều khiến dư luận choáng váng. Nào đề án ngoại ngữ, đề án đào tạo tiến sĩ và giờ là đề án "đổi mới thi cử". Tất tần tật đều là con số cao ngất ngưởng, cỡ trăm tỷ, ngàn tỷ cả.

Ngân sách nhà nước đều là tiền mồ hôi, nước mắt của dân đâu phải lá tre mà xin trăm, ngàn tỷ nhẹ hơn cả lông vũ như thế. 

Lại nói đến chuyện chi ngân sách, Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách Nhà nước được ông Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán Nhà nước trình bày tại Quốc hội chiều ngày 21/5 cho thấy một thực trạng nhức nhối, xót xa. Các dự án đội vốn so với dự toán ban đầu khiến nhiều người ngao ngán.

Xin được trích dẫn: Dự án nạo vét, xây kè, bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê, tỉnh Ninh Bình điều chỉnh tăng 36 lần (từ 72 tỷ đồng lên 2.595 tỷ đồng). Dự án Cảng nhập than Trung tâm điện lực Vĩnh Tân, điều chỉnh 3 lần tăng 3.020 tỷ đồng.

Rồi dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn 1, điều chỉnh 2 lần tăng 10.322 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng Thủy điện Đakđrinh tăng 1.488 tỷ đồng và đang xin điều chỉnh lần 2 lên 5.887 tỷ đồng. Dự án thủy điện Nậm Chiến 4 lần điều chỉnh tăng đến 3.361 tỷ đồng.

Đây là câu trả lời rõ nét nhất cho câu hỏi, vì sao Bộ Tài chính đang dùng mọi cách để tìm nguồn thu lấp vào thiếu hụt ngân sách, trong đó có việc tăng các sắc thuế, bỏ ngoài tai tiếng than vô vọng của người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề án xài tiền kiểu bất chấp