Đã dự báo vẫn bất ngờ

Bảo Dân| 17/07/2018 06:10
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 có đến 83% thí sinh có điểm môn Lịch sử dưới trung bình. “Thảm họa” này dù đã được báo trước nhưng vẫn gây bất ngờ! Vì sao vậy?

Có người nói tại nội dung phương pháp giảng dạy. Người khác cho rằng tại đề thi quá khó. Nhưng nhiều  người cho rằng cần xem lại cách dạy, cách học bộ môn này.

Còn nhớ năm 2011 từng xuất hiện nhiều tranh cãi liên quan đến việc môn Lịch sử có hàng nghìn điểm 0 trong kỳ thi đại học-cao đẳng. Khi đó, “tư lệnh” ngành giáo dục vẫn cả quyết rằng, hàng ngàn điểm liệt là bình thường…

Nhà giáo Hoàng Thị Lan Hương - giáo viên Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội),  nhận xét, đề thi môn Lịch sử năm nay khó hơn so với năm ngoái rất nhiều. Phạm vi kiến thức khá rộng, bao gồm cả chương trình lớp 11 và 12. Có nhiều câu hỏi mang tính tư duy, học sinh phải nắm bắt các sự kiện trong mối tương quan, liên hệ với nhau, phải có kỹ năng so sánh, tổng hợp, phân tích, khái quát thì mới làm được. Nhiều giáo viên khác cũng cho rằng điểm thấp nằm ở đề thi, có sự phân hóa rõ rệt. Có điều, điểm Lịch sử thấp, sẽ là một tai họa cho tương lai.

Xung quanh việc lịch sử lặp lại với kết quả thi tốt nghiệp THPT môn sử quá thất vọng, nhà sử học Dương Trung Quốc tỏ ra không bất ngờ khi đọc những con số về điểm thi môn Lịch sử thấp. Ông Quốc cho rằng đây là sự nối tiếp của một hiện tượng cũ. Nên đặt vấn đề tại sao học sinh  quay lưng với môn Lịch sử? Bây giờ, Bộ GD&ĐT chuyển Lịch sử từ môn thi tự luận sang hình thức thi trắc nghiệm. Việc thi cử là kiểm tra học sinh nhớ hay không nhớ bài thôi. Điều đó chỉ là những yếu tố mang tính chất tạm thời. Nhưng mong muốn, đòi hỏi các bạn trẻ phải yêu môn Lịch sử khi ngồi trên ghế nhà trường, điều đó khó lắm. Bởi thầy cô còn chưa giúp học sinh hình dung được học lịch sử để làm gì. Đừng đỏi hỏi quá cao ở học sinh. Bởi kiến thức lịch sử không chỉ là học trong nhà trường. Lịch sử là sự tích tụ cả cuộc đời mình. Điều đó khiến chúng ta phải học lịch sử ngoài đời nhiều hơn là học trong sách vở. Quan trọng nhất là làm sao cho giá trị lịch sử đi vào đời sống.

Đây là một bài toán khó, không chỉ của riêng Việt Nam. Nếu coi đây là một hiện tượng xã hội thì nhiều nước khác cũng có. Nhưng ít nhất, các nước trên thế giới, phương pháp dạy lịch sử của họ phong phú, đa dạng, sinh động hơn chúng ta rất nhiều. Họ cũng có nhiều công cụ để quảng bá lịch sử, chứ không chỉ dựa vào sách vở.

Ông Quốc kỳ vọng vào ban soạn thảo chương trình, sách giáo khoa mới sẽ tạo nên một thay đổi lớn. Quan trọng nhất là làm sao cho giá trị lịch sử đi vào đời sống… Bởi đây là kỳ thi cấp quốc gia, là thi tuyển, với mục đích phân loại để làm rõ đâu là người giỏi, người khá, đâu là người yếu kém. Vì vậy, qua quá trình thi lộ ra những học sinh kém là bình thường.

Năm 2017, lần đầu tiên môn Lịch sử thi theo hình thức trắc nghiệm ở kỳ thi cấp quốc gia. Cũng tại kỳ thi này, toàn quốc có 107 thí sinh đạt điểm 10 môn Lịch sử - một hiện tượng chưa bao giờ xảy ra. Đến năm nay, khi đọc những dòng tin về điểm thi môn Lịch sử thấp, một giáo viên dạy môn học này buồn rầu nói: Thực tế không có nhiều học sinh thích Sử. Nhiều em chọn thi ban Khoa học xã hội là vì không đủ sức thi các khối khác.

Lượng thí sinh đăng ký càng tăng, nhưng không có nghĩa học sinh ngày càng quan tâm đến môn Lịch sử. Vì đơn giản, thi trắc nghiệm có cơ hội cầu may để chống điểm liệt, nhiều em chỉ cần đủ điều kiện để xét tốt nghiệp. Bao giờ môn Lịch sử được trở lại đúng vị thế trong hệ thống kiến thức trung học phổ thông?  Khó trả lời lắm! 

 

 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đã dự báo vẫn bất ngờ