Chống lãng phí, phải có “biện pháp mạnh”

Trung Nguyễn| 19/07/2019 09:24
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Năm 2012, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 21-CT/TW về việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2544/QĐ-TTg, ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2020. Cụ thể hóa nhiệm vụ thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2018.

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó tập trung vào một số lĩnh vực cụ thể. Về quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước, trong năm 2018, thực hiện siết chặt kỷ luật tài khóa - ngân sách nhà nước; bảo đảm chi ngân sách nhà nước tiết kiệm, hiệu quả và theo đúng dự toán được Quốc hội thông qua. Triệt để tiết kiệm phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực ngay từ các khâu xác định nhiệm vụ, lập, phân bổ, giao dự toán ngân sách năm 2018 cho các bộ, cơ quan, đơn vị…

Trong báo cáo thẩm tra về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2018 của Chính phủ, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã chỉ rõ, có tới 10 bộ, ngành, địa phương chậm ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Một số cơ quan, đơn vị ban hành chương trình còn dàn trải, chưa xác định rõ nhiệm vụ cụ thể cần tập trung triển khai, chưa lượng hóa các chỉ tiêu để phấn đấu và làm căn cứ tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện.

Năm 2019 vẫn có 26 bộ, ngành, địa phương chậm gửi báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; còn 27/34 bộ, ngành và 34/63 địa phương chưa triển khai Thông tư số 129/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định tiêu chí đánh giá kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi thường xuyên. Qua giám sát cho thấy, việc xây dựng báo cáo của một số cơ quan, đơn vị còn sơ sài, thiếu số liệu, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận định.

Thực tế trên cho thấy nhận thức của người đứng đầu mỗi cơ quan đơn vị, bộ ngành, địa phương về công tác chống lãng phí còn hạn chế, trong khi đó, việc xử lý các trường hợp chậm gửi báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; chậm triển khai Thông tư số 129/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định tiêu chí đánh giá kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi thường xuyên như thế nào thì vẫn chưa được quy định rõ… nên nhiều trường hợp chỉ bị “phê bình, nhắc nhở” rồi cho qua.

Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định số 63/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước.

Nghị định quy định cụ thể những hình thức xử phạt chính bao gồm: Cảnh cáo và phạt tiền. Theo đó, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước là 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức. Trong lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí mức phạt là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200  triệu đồng đối với tổ chức.

Như vậy, Nghị định 63/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm vi phạm hành chính trong lĩnh vực này đã có quy định chế tài rất cụ thể đối với từng hành vi, với biện pháp mạnh, cùng với việc thực thi nghiêm túc được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chống lãng phí, phải có “biện pháp mạnh”