Ngày 27/11/2014, Chi Cục Thi hành án Dân sự huyện Củ Chi (TP HCM) có thủ trưởng mới. Nguyên nhân là do ông Chi cục trưởng Đặng Văn Tuấn, đã có đơn xin từ chức, thôi làm Chi cục trưởng để xuống làm chấp hành viên.

Lý do ông Tuấn đưa ra là “sức khỏe không đảm bảo” để đảm nhận vị trí lãnh đạo của Chi cục.

Người ta bỗng nhớ đến việc xảy ra vào cuối năm 2011 trong Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) là ông Trần Quốc Tuấn, Tổng thư ký xin từ chức sau thất bại thảm hại của đội tuyển bóng đá Việt Nam tại SeaGames.

Năm 2010, giới báo chí, truyền hình cũng như dư luận cả nước bất ngờ trước thông tin về một ông cũng tên là Tuấn khác, ông Trần Đăng Tuấn, Phó Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam xin từ chức và chuyển công tác ra khỏi VTV. Riêng ông Tuấn, trong bài trả lời độc quyền dành cho một tờ báo điện tử và cũng là duy nhất lên tiếng trước báo chí về việc xin từ chức của mình, đã chỉ nói về môi trường làm việc. Ông nói: “Nếu thay đổi môi trường làm việc để được nhìn nhận cuộc sống từ những khía cạnh, góc độ khác, để thêm những trải nghiệm khác, thì tôi thấy đó cũng là việc đáng làm”.

Cũng vào năm 2010, sắp vào năm học có viêc Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Bình Dương là ông Dương Thế Phương xin từ chức vì bị HĐND tỉnh  chất vấn gay gắt, do tỷ lệ tốt nghiệp THPT của tỉnh rớt hạng, chỉ đạt 86,15% trong khi nhiều tỉnh, thành phố khác đạt trên 90%. Ngỏ lời với báo chí, ông Phương cảm thấy buồn khi mình làm thật mà không được nhìn nhận, chia sẻ.  Người dân nhận xét ông đốc học này biết tự trọng!

Trước đó, ông Nguyễn Văn Tấn, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Bạc Liêu cũng đã có đơn xin được từ chức, thôi đảm nhận nhiệm vụ giám đốc sau vụ nâng điểm thi trái phép cho 1.746 thí sinh THPT từ trượt thành đỗ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2005 - 2006 gây bức xúc và đã có 15  người trong đó có cả 1 phó giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Bạc Liêu bị khởi tố. Vì vậy khi ông Tấn xin từ chức, dư luận  cho rằng ông từ quan để “né” trách nhiệm chăng?

Theo các chuyên gia, trong khi tại nước ngoài, việc quan chức xin từ chức là “chuyện thường ngày” thì ở ta vẫn là một sự kiện hiếm hoi. Thế nên chỉ cần một lãnh đạo cấp nhỏ như ở một phòng ban, chi cục nào đó ở một quận, huyện xin từ chức là đã là chuyện hà rầm.

Có một thực tế là không ít vụ việc tiêu cực, thể hiện sự tha hóa của quan chức nhưng rất ít người dám từ chức, cùng đường lắm chỉ là kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Vì sao việc từ chức lại khó đến thế? Bởi vì chức tước là quyền lực, là lợi ích, bổng lộc. Từ chức là mất sạch cả tiền tài và danh tiếng.

Chữ “từ” kia cũng có ba bảy đường. Ai đó định đánh bài chuồn chuồn thì nhất quyết phải  làm cho ra nhẽ kể cả hồi xét,  xử lý. Nhưng cũng có người nên cho họ quyền được từ chức nhẹ nhàng để gây dựng “phong trào”, “văn hóa” từ chức!

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ai từ chức?