Theo các luật sư, cơ sở về mặt luật pháp để xếp loại một sản phẩm thuộc hay không thuộc nhóm “thuốc lá” cần dựa trên yếu tố đầu tiên là sản phẩm đó có “được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá” hay không. Căn cứ vào định nghĩa này, có thể hoàn toàn kết luận thuốc lá làm nóng (TLLN) là một sản phẩm thuốc lá, do đó cần được đưa vào quản lý ngay dưới luật hiện hành.
Ngoài ra, việc phân loại này còn đúng với thông lệ quốc tế, bao gồm quy định của Tổ chức Y tế Thế giới WHO và Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO).
Thuốc lá làm nóng chứa nguyên liệu thuốc lá, là sản phẩm thuốc lá “dạng khác”
Ông Phạm Sĩ Hải Quỳnh - luật sư thành viên của Công ty Luật TNHH Quốc tế Việt Nam (VILAF- Hồng Đức, Hà Nội) dẫn định nghĩa của Luật PCTHTL Việt Nam như sau: "Thuốc lá là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá, được chế biến dưới dạng thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác". Theo đó, ông Quỳnh cho rằng, quy định này thể hiện, pháp luật Việt Nam thừa nhận các sản phẩm thuốc lá ở "dạng khác", ngoài những dạng cơ bản được liệt kê.
Điều 1, khoản (f) định nghĩa “các sản phẩm thuốc lá” có nghĩa là các sản phẩm tạo ra từ vật liệu lá thuốc. Nguồn: Chương trình Phòng chống Tác hại của Thuốc lá - Công ước Khung - Giới thiệu (vinacosh.gov.vn)
Phân tích về TLLN, luật sư Phạm Sĩ Hải Quỳnh cho hay, TLLN bao gồm sản phẩm thuốc lá đặc chế và hệ thống làm nóng sản phẩm thuốc lá đặc chế này. TLLN hoạt động bằng thiết bị điện để làm nóng nguyên liệu thuốc lá bên trong để tạo ra nicotine. Do có nguyên liệu thuốc lá chứa trong sản phẩm thuốc lá đặc chế và như giải thích ở trên, xét về góc độ luật pháp thì TLLN hoàn toàn thỏa điều kiện để xếp vào danh mục thuốc lá "dạng khác" theo định nghĩa tại của Luật PCTHTL.
Và dù TLLN được chứng minh là sản phẩm có khả năng giảm tác hại so với thuốc lá điếu đốt cháy thông thường, đó cũng không phải là một sản phẩm an toàn tuyệt đối để có thể “vô tư” nằm ngoài sự quản lý của Luật PCTHTL như hiện nay.
Vậy tại sao đến nay Luật PCTHTL Việt Nam vẫn chưa cập nhật quy định cụ thể đối với các sản phẩm thuốc lá mới nêu trên, tương tự như đã có quy định đối với thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào,…? Trả lời câu hỏi này, luật sư Tạ Minh Trình (Thành viên Đoàn Luật sư TP HCM) phân tích rằng, vào thời điểm năm 2012, các nhà lập pháp chưa hình dung được các dạng của thuốc lá hiện đại. Tuy nhiên, luật sư Tạ Minh Trình cũng khẳng định, Luật tại thời điểm này định nghĩa rõ thuốc lá là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá (…) và nguyên liệu thuốc lá là lá thuốc lá dưới dạng sợi hoặc tấm đã sơ chế. Theo đó, luật sư Tạ Minh Trình nhận định, TLLN dù là thiết bị điện tử nhưng nguyên liệu được làm nóng để tạo ra nicotine là từ lá thuốc lá nên hoàn toàn thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật hiện hành.
WHO, FDA, WCO đều xếp thuốc lá làm nóng là thuốc lá
Được biết, Hội nghị lần thứ 8 các nước thành viên (COP8) thuộc Công ước Khung về Kiểm soát Thuốc lá (FCTC) do WHO chủ trì năm 2018 cũng khẳng định sản phẩm TLLN là thuốc lá. Theo đó, FCTC khuyến nghị các nước quản lý sản phẩm này theo Công ước FCTC và các luật kiểm soát thuốc lá hiện hành của nước sở tại. Được biết, trong số 195 quốc gia và vùng lãnh thổ thành viên của tổ chức này, đã có 184 nước quản lý thuốc lá làm nóng, theo báo cáo tháng 7/2021 của WHO.
Công ước Khung về Kiểm soát Thuốc lá (FCTC) nhắc lại thuốc lá làm nóng là sản phẩm thuốc lá tại COP8
Bên cạnh đó, tháng 7/2020, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã phê duyệt cho sản phẩm thuốc lá làm nóng đầu tiên được kinh doanh tại quốc gia này như là "Sản phẩm thuốc lá điều chỉnh nguy cơ" (MRTP) cùng với chỉ định "Giảm thiểu phơi nhiễm", phân loại rõ đây là thuốc lá không đốt cháy (non-combusted cigarettes), khác biệt hoàn toàn với thuốc lá điếu là thuốc lá đốt cháy (combusted cigarettes).
Ngoài ra, Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO) cũng xếp TLLN vào nhóm các sản phẩm thuốc lá, và phân loại rõ TLLN theo mã “sản phẩm thuốc lá khác” nhằm phân biệt rõ sản phẩm này với thuốc lá điếu thông thường.
Bên cạnh các tổ chức này, ngày càng nhiều tổ chức y tế và chính phủ ở hầu hết các quốc gia tiên tiến từ châu Âu như Anh, Đức, Pháp, Ý… đến châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, New Zealand hoặc các nước láng giềng như Malaysia, Indonesia, Philippines… đều đưa TLLN vào luật quản lý để chính thức cho phép người dùng tiếp cận đến sản phẩm.
Đơn cử như tại Indonesia, TLLN đã được đưa vào quản lý bởi Bộ Tài chính từ năm 2017, và đến năm 2021 thì quy định mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm TLLN thấp hơn so với thuốc lá điếu thông thường (không áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thiết bị làm nóng). Malaysia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản cũng áp dụng quy định tương tự nhằm cho phép TLLN chính thức có mặt trên thị trường kể từ năm 2014-2018. Gần đây nhất, sau khi áp dụng quy định quản lý cho phép chính thức lưu hành TLLN từ năm 2020, Philippines vừa thông qua Đạo luật Quy định Thuốc lá điện tử, bao trùm tất cả các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, vào ngày 25/7/2022 vừa qua.
Thiết nghĩ, Việt Nam hoàn toàn có thể tham khảo mô hình quản lý toàn diện ngành thuốc lá một cách hiệu quả của các quốc gia tiên tiến trên thế giới và trong khu vực. Đặc biệt là các nước thuộc khối ASEAN như Malaysia, Indonesia, Philippines… với mô hình kinh tế, thu nhập, GDP tương tự như Việt Nam lại càng là những tham chiếu gần gũi để nước ta có thể áp dụng thực tiễn, thay vì phải đầu tư nhiều nguồn lực để nghiên cứu lại từ đầu, hoặc trì hoãn các giai đoạn vàng trong chiến lược quản lý nhưng lại tạo ra hàng loạt những hệ lụy, gánh nặng khi phải đối diện với các di chứng của tệ nạn buôn lậu.