Sức ép giữa mưu sinh và bảo vệ rừng (kỳ 4)

Thanh Phương| 07/05/2014 10:14
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Để giải quyết hài hòa mối quan hệ trong sử dụng, quản lý tài nguyên rừng với cộng đồng người dân địa phương không phải chuyện một sớm, một chiều...

Kỳ 4: Lợi  ích từ rừng - bài toán khó

Việc đảm bảo lợi ích của các Ban quản lý rừng, bảo vệ và phát triển bền vững rừng và góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống của người dân sống trong khu rừng, vùng đệm rừng đặc dụng như một tấm chăn hẹp, bên này kéo thì bên kia lạnh!

Vì thế, rất cần sự vào cuộc của nhiều cấp, nhiều ngành, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để người dân an cư lạc nghiệp và trở thành một lực lượng quan trọng trong việc bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng. Các phương cách hiện nay chưa thực sự phát huy hiệu quả khiến cuộc chiến mưu sinh và bảo vệ rừng của người dân vùng lõi còn “căng như dây đàn”…

Còn nhiều bất cập

Thanh Hóa có 84.682,35ha rừng và đất lâm nghiệp quy hoạch rừng đặc dụng thuộc hai Vườn Quốc gia (Bến En và một phần VQG Cúc Phương), ba Khu bảo tồn thiên nhiên (Xuân Liên, Pù Hu, Pù Luông), hai khu bảo tồn loài (Sến Tam Quy và các loài hạt trần quý, hiếm Nam Động), bốn khu di tích lịch sử văn hóa (Lam Kinh, Hàm Rồng, Đền Bà Triệu, Trường Lệ Sầm Sơn). Trong những năm qua, tỉnh mới tập trung thực hiện việc bảo vệ nguyên vẹn, an toàn diện tích rừng hiện có hay nói cách khác là mới làm tốt công tác quản lý bảo vệ tài nguyên động thực vật rừng, hạn chế người dân địa phương vào rừng để khai thác lâm sản và canh tác nông nghiệp.

Sức ép giữa mưu sinh và bảo vệ rừng (kỳ 4)

Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên

Ông Mai Văn Chuyên, Trưởng phòng Bảo tồn, Chi cục kiểm lâm Thanh Hóa cho biết: “Để giải quyết hài hòa mối quan hệ trong sử dụng và quản lý tài nguyên rừng, tạo khung pháp lý về chính sách chia sẻ lợi ích; quyền và nghĩa vụ của Ban quản lý các khu rừng đặc dụng với cộng đồng địa phương, tỉnh Thanh Hóa đã đưa vào thí điểm ở một số nơi theo nguyên tắc đồng quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững rừng đặc dụng, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống của người dân sống trong khu rừng đặc dụng và vùng đệm rừng đặc dụng. Theo đó, người dân được phép khai thác một số lâm sản ngoài gỗ và được hưởng một số chính sách về hỗ trợ sinh kế như mô hình chăn nuôi, trồng cây, phát triển kinh tế tăng thu nhập, cải thiện đời sống và nâng cao nhận thức bảo tồn cho người dân. Chính sách về đồng quản lý, sử dụng tài nguyên rừng bền vững bước đầu tạo ra một số các lợi ích cho những người tham gia ở địa phương. Nhưng đây là lĩnh vực mới nên nhận thức, cách tiếp cận về chia sẻ lợi ích trong bảo tồn đa dạng sinh học còn chưa rõ ràng, cơ chế quản lý chưa đồng bộ, thiếu các công cụ pháp lý và những hỗ trợ kỹ thuật, tài chính nên chất lượng, hiệu quả triển khai các hoạt động còn nhiều vấn đề bất cập”.

Nhận thức vấn đề cần giải quyết, UBND tỉnh thực hiện cơ chế thí điểm chia sẻ lợi ích tại Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, Pù Hu thông qua việc thực hiện dự án “Tăng cường năng lực quản lý và thực hiện cơ chế chia sẻ lợi ích nhằm đẩy mạnh công tác bảo tồn đa dạng sinh học” do Quỹ bảo tồn rừng đặc dụng Việt Nam hỗ trợ. Tuy nhiên, kết quả cũng chỉ dừng lại ở việc xây dựng cơ chế chia sẻ lợi ích thông qua các văn bản thỏa thuận sử dụng lâm sản phụ còn nặng về định tính, hỗ trợ, bước đầu xây dựng mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm mới ở phạm vi một số thôn, chưa thực sự áp dụng và nhân rộng hiệu quả mô hình, do đó, nguy cơ xâm hại tới tài nguyên đa dạng sinh học ở các khu rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh còn tiềm ẩn cao.

Sức ép giữa mưu sinh và bảo vệ rừng (kỳ 4)

Gỗ bị đốn tại Vườn Quốc gia Bến En

“Của trong nhà còn mất huống chi rừng ở nách hộ dân”!

Trao đổi với PV, ông Lê Quốc Việt, Phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa cho hay: “Việc giải quyết hài hòa đời sống người dân trong vùng lõi rừng với bảo vệ rừng là cả một vấn đề. Việc giao đất cho dân không phải thẩm quyền của ngành lâm nghiệp. Muốn đưa người dân ra khỏi vùng lõi thì rất nhiều thứ liên quan. Ngoài kinh phí, quỹ đất còn tập tục địa phương. Ngày trước đã có dự án đưa người Mông ra khỏi rừng nhưng khi có đất, có nhà, dân dứt khoát không đi vì quen sống như vậy. Quan điểm của ngành là rất muốn đưa dân ra khỏi rừng, tách bạch ra mới dễ quản lý, chứ để như thế này thì quả là đánh đố, đồ nhà mình ngay thành phố, cửa khóa then cài mà hở ra là mất. Đây rừng ngay sát nách người dân thì có tăng cường kiểm lâm viên cũng khó giữ. Người dân bảo, biết phá rừng là vi phạm pháp luật nhưng đói sẽ chết nhanh hơn!”.

Sức ép giữa mưu sinh và bảo vệ rừng (kỳ 4)

Ông Lê Quốc Việt, Phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa trao đổi với PV

Trả lời câu hỏi của phóng viên: Để hạn chế tình trạng “chảy máu rừng”, trước mắt cần có giải pháp gì, ông Việt cho biết: “Trong thời gian tới, Nhà nước cần đánh giá thực tiễn để hoàn thiện thể chế, xây dựng khung pháp luật và chính sách; hỗ trợ kỹ thuật và tài chính, tạo đòn bẩy thực hiện toàn diện cơ chế chia sẻ lợi ích nhằm quản lý rừng bền vững. Xây dựng phương án chia sẻ lợi ích trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, trong đó, nội dung phương án cần cụ thể hóa, định lượng tỷ lệ, đối tượng khi áp dụng các phương thức tiếp cận, khai thác tài nguyên rừng cho các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng sống trong vùng lõi và vùng đệm rừng đặc dụng. Quy hoạch sử dụng đất vùng đệm các khu rừng đặc dụng gắn với xác định chi tiết cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp. Phát huy vai trò điều tiết của Nhà nước, hỗ trợ tìm kiếm thị trường sản phẩm sản xuất ra của người nông dân, tránh tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa. Thực hiện đầy đủ, toàn diện phương án giao rừng, thuê rừng gắn liền với giao đất, thuê đất lâm nghiệp đồng thời đẩy mạnh công tác chi trả dịch vụ môi trường rừng. Tăng cường thực hiện các chương trình điều tra, nghiên cứu về sinh thái rừng, lượng hóa giá kinh tế do môi trường rừng cung cấp và đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng hợp lý trên địa bàn tỉnh. Tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò và lợi ích của chia sẻ lợi ích, bảo tồn đa dạng sinh học; tạo sự đồng thuận, tự nguyện tham gia của cộng đồng vào các hoạt động quản lý bảo vệ rừng đây là chìa khoá của sự thành công. Thực hiện đồng bộ các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng đệm các khu rừng đặc dụng, bảo đảm bù đắp được các chi phí cơ hội, tạo lòng tin và mang lại lợi ích cho toàn cộng đồng”.

Có lẽ, việc triển khai các giải pháp, dự án còn nhỏ giọt, quy mô nhỏ, hiệu quả chưa cao nên chưa giải quyết được phương cách mưu sinh của người dân. Vì thế, rừng tiếp tục bị “chảy máy” khiến các loài động vật mất môi trường sống, có nguy cơ tuyệt chủng. Nguồn sống từ rừng của người dân ngày càng cạn kiệt, khó khăn theo đó sẽ tăng lên. Điều đó, rất cần sự chung tay, vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương…

Kỳ cuối: UBND tỉnh vào cuộc yêu cầu làm rõ trách nhiệm 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sức ép giữa mưu sinh và bảo vệ rừng (kỳ 4)