Đó là ý kiến của các đại biểu tại Hội thảo lấy ý kiến về Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) do Thanh tra Chính phủ vừa tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Chiến Bình cho rằng, Luật Phòng, chống tham nhũng 2005 được Quốc hội khóa XI thông qua tại kỳ họp thứ 8 và có hiệu lực kể từ ngày 1-6-2006 đã tạo ra hành lang pháp lý, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng. Dù vậy, trong thực tế, Luật Phòng, chống tham nhũng 2005 cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập cần được kịp thời sửa đổi, bổ sung như: Quy định về công khai, minh bạch tài sản, thu nhập còn hẹp, chưa đầy đủ, còn mang tính hình thức; chưa phát huy được vai trò của xã hội trong công tác phòng, chống tham nhũng; quy định trách nhiệm người đứng đầu.
Quốc hội đã quyết định điều chỉnh Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) sẽ được xem xét, thông qua vào kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII tháng 10-2012.
Hội thảo lần này là một trong các hoạt động nhằm tiếp tục lấy ý kiến của một số địa phương thuộc khu vực miền Nam về Dự thảo Luật và Dự thảo Tờ trình Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Chiến Bình phát biểu khai mạc
Trình bày khái quát về các quy định mới của Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Vụ trưởng Vụ Pháp chế Thanh tra Chính phủ Đỗ Gia Thư cho biết: Nhiều vấn đề của cơ chế pháp lý hiện hành về phòng chống tham nhũng còn mang tính hình thức, có nhiều hạn chế, hiệu quả thực tiễn thấp, như công khai, kê khai tài sản, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được quy định cụ thể, những vấn đề phát hiện xử lý.
Luật Phòng, chống tham nhũng 2005 chưa giao cụ thể cho một đơn vị nào về phòng chống tham nhũng; sự chồng chéo; công tác báo cáo gặp nhiều lúng túng. Chủ trương, quan điểm của Đảng về công tác này vẫn chưa được thể hiện rõ ràng, chưa đầy đủ toàn diện. Một số quy định chưa phù hợp với Điều ước quốc tế như vấn đề bảo vệ người tố cáo tham nhũng tuy có đề cập nhưng chưa cụ thể, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền chưa rõ.
Do đó, Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) sẽ được xây dựng theo hướng phòng, ngừa ngăn chặn là chính, còn vấn đề cụ thể phải do luật chuyên ngành quy định. Các quy định mới phải phù hợp với thực tiễn trên cơ sở quán triệt chủ trương đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước, phù hợp với các quy định Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. Theo đó, Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) ngoài những điều khoản kế thừa thì 50% được sửa đổi như một số vấn đề về từ ngữ trong chương quy định chung; công khai minh bạch, trách nhiệm của người cung cấp thông tin (liên quan đến vấn đề trách nhiện giải trình), vấn đề về minh bạch tài sản thu nhập, trách nhiệm của người đứng đầu.
Trong phần thảo luận, các đại biểu đã nhất trí với một số vấn đề và thống nhất với những phương án mà Thanh tra Chính phủ đã trình bày trong Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).
Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả các quy định sau khi được Quốc hội thông qua, nhiều đại biểu cho rằng cần cụ thể hóa ngay từ đầu các nội dung như: Đối tượng kê khai tài sản thu nhập có một số vướng mắc trong vấn đề Đảng viên phải kê khai tài sản; phải có quy định về rõ hơn cấp nào có chức năng yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh, thành kê khai tài sản khi chuyển lên vị trí công tác mới; xử lý vấn đề giải trình tài sản tăng thêm ra sao khi quy định chỉ xử lý các tài sản sai phạm; quy định tạm đình chỉ công tác, chuyển công tác khi có dấu hiệu tham nhũng nhưng khi xác minh không có thì khắc phục ra sao.
Đặc biệt về tổ chức, Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng hoạt động theo quy định của Đảng thì có nên quy định trong Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) hay không; vai trò trách nhiệm của xã hội nên quy định đối tượng cụ thể. Việc công khai bản kê khai tài sản tại nơi cư trú cũng như giao cho Thanh tra các cấp xác minh cần cụ thể hóa về phạm vi, thời gian hoàn thành vì đây là vấn đề phức tạp. Nếu không cụ thể hóa hoặc được hướng dẫn cụ thể trong các văn bản dưới Luật thì việc triển khai trong thực tế sẽ khó khăn, không phát huy được tinh thần của các Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng về phòng chống tham nhũng, không nâng cao được niềm tin của nhân dân vào quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong công tác này.
Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) gồm 8 chương 109 điều, trong đó tập trung sửa đổi bổ sung một số vấn đề về phòng ngừa tham nhũng; về Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng; trách nhiệm của cơ quan báo chí; công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; trách nhiệm của người đứng đầu. |
Văn Vũ