Mới đây, kênh truyền hình Russia 24 đã công bố đoạn phỏng vấn với cậu bé đã xuất hiện trong đoạn phim bị cho là làm giả để tạo bằng chứng giả cho vụ tấn công hóa học tại Douma, Syria của tổ chức Mũ Trắng.
Ngày 18/4, Kênh truyền hình Russia 24 của Nga đã công bố đoạn phỏng vấn với Hassan Diab - cậu bé xuất hiện với tư cách là “nhân chứng” trong đoạn phim làm giả của tổ chức Mũ Trắng.
Trong đoạn phỏng vấn, Hassan Diab cho biết, khi hai mẹ con cậu đang ở nhà thì nghe thấy tiếng la hét bên ngoài, bảo hãy tới bệnh viện. Mẹ con Hassan Diab cũng chạy tới bệnh viện và ngay khi vừa tới thì họ chộp lấy cậu và bắt đầu dội nước lên người cậu bé. Hassan Diab còn cho biết, sau khi bị dội nước lên người, cậu bị đẩy vào chỗ những “bệnh nhân” khác.
Hassan Diab - cậu bé xuất hiện trong đoạn phim bị cho là làm giả của tổ chức Mũ Trắng
Trong khi đó, bố của Hassan Diab cho biết, khi ông tới bệnh viện thì thấy vợ con mình vẫn khỏe mạnh và không thấy sự xuất hiện của vũ khí hóa học. Ông cũng cho biết, những người tham gia đoạn phim sau đó đã được phát lương thực. Binh sĩ cho mọi người hoa quả, bánh và gạo để tham gia ghi hình và sau đó thả mọi người.
Kênh truyền hình này cũng phát sóng cuộc phỏng vấn với bác sỹ trong bệnh viện. Bác sỹ này cho biết ngày hôm đó không có bệnh nhân nào có dấu hiệu như phơi nhiễm vũ khí hóa học hay trúng khí độc, nhưng có một số người gặp vấn đề về hô hấp liên quan đến khói và bụi từ vụ ném bom.
Ngoài ra, tất cả bác sỹ đều được cho là bận rộn chăm sóc bệnh nhân và không có thời gian phản ứng với đội quay phim của nhóm binh sĩ.
Trước đó, Tổ chức Mũ Trắng (White Helmets), tổ chức phi chính phủ được phương Tây ủng hộ đã công bố đoạn video quay cảnh các nạn nhân trong vụ tấn công vũ khí hóa học ở Douma ngày 7/4. Mỹ và đồng minh đã sử dụng đoạn video này làm cái cớ tiến hành vụ tấn công tên lửa nhằm vào Syria.
Chính phủ Syria từng công bố tổ chức này có nguồn tài chính từ một số nước phương Tây, được tài trợ để nhiều lần đưa ra thông tin giả mạo và có liên hệ với các nhóm khủng bố ở Syria.
Sau cáo buộc, Nga đã cử các chuyên gia đến xác định xem có vụ tấn công nào và có nạn nhân nào cần điều trị do nhiễm khí độc hay không. Tuy nhiên, các chuyên gia này không phát hiện ra dấu vết vũ khí hóa học nào hay bệnh nhân ở các bệnh viện trong vùng. Cả Nga và Syria đã mời các thanh sát viên của Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW) tới Douma để điều tra vụ việc này.