Sự hồi sinh của một tộc người nơi biên ải

Vân Phạm| 27/10/2014 06:05
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong 54 dân tộc anh em, dân tộc Brâu ở thôn Đắk Mế xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum là dân tộc ít người nhất ở nước ta với vẻn vẹn 138 hộ/479 nhân khẩu.

Từ cuộc sống ăn hang ở lỗ nơi rừng thiêng nước độc, họ đã từng bước thoát khỏi cái đói, cái nghèo và ổn định cuộc sống...

Những thăng trầm của người Brâu

Hỏi thăm đường về Srúk (làng) Đăk Mế, người dân dọc quốc lộ 40 chỉ cho chúng tôi về thẳng cửa khẩu quốc tế Bờ Y. Bởi lẽ sau trận cháy làng bên bờ sông Bờ Y hồi tháng 4/1991 làng Đăk Mế được chính quyền địa phương đưa về trung tâm xã Bờ Y theo chương trình hỗ trợ của Nhà nước và được lập thành một thôn. Đắk Mế hiện nay không thuần riêng người Brâu như trước mà sống đan xen với vài tộc người khác như K’dong, H’lăng, Mường, Thái, Tày, Kinh…

Nếu không được đại úy Nguyễn Văn Dũng, quân y đồn biên phòng Bờ Y nói trước, có lẽ chúng tôi đã rất ngỡ ngàng trước sự thay đổi đáng ngạc nhiên của cộng đồng người Brâu nơi đây. Mỗi hộ được hỗ trợ kinh phí làm một căn nhà theo cấu trúc của người Kinh, nền trệt, vách ván, mái ngói, rộng chừng 40m2 với khuôn vườn rộng, xếp hàng tăm tắp dọc những trục đường thôn theo quy hoạch bên cạnh quốc lộ 40 đi cửa khẩu quốc tế Bờ Y, nơi có ngã ba Đông Dương.

Về dân số, dân tộc Brâu đã có sự “hồi sinh” đáng kể. Năm 1991 có khoảng 180 người thì nay đã là trên 400. Ngày ngày, bà con đã rất quen thuộc với bóng dáng các chiến sỹ đồn Biên phòng Bờ Y đi về giúp dân xây dựng nếp sống mới và bảo vệ an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội nên đã chào đón chúng tôi rất thân tình.

Sự hồi sinh của một tộc người nơi biên ải

Một tiết mục văn nghệ của người Brâu trong Lễ hội cồng chiêng 2014

Hồi già làng Thao Pem còn sống, ông đã kể về quá trình lưu lạc của dân tộc ông để một biên tập viên của đài truyền hình tỉnh ghi lại. Già là cháu nội của thủ lĩnh Thao A Yoong. Tiếng nói đanh chắc, khẳng định tộc người Brâu từng là một bộ tộc hùng mạnh trên đất Tây Nguyên. Nguồn gốc của họ ở Việt Nam lúc khởi đầu chỉ có vài chục người từ vùng Ô Tum bên lưu vực các sông Xê Ca Máng, Nậm Khoỏng (Mê Kông) ở Nam Lào theo hai anh em thủ lĩnh Thao A Yoong và Thao Tô ra đi.

Nhóm người này băng sang sông Bờ Y về bờ Đông, dừng chân bên suối H’yang dưới chân núi H’niêng lập làng ở lại. Đây là chặng thiên di đầu tiên. Hiện tại bộ phận người B’râu ở Lào, Campuchia và Việt Nam cư trú quanh vùng ba biên giới vẫn thường qua lại quan hệ thân thiết. Và cộng đồng người Brâu là dân tộc chiếm đa số tại địa bàn tỉnh Atôpư của nước bạn Lào.

Thăng trầm của mỗi tộc người phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Đó có thể là do xung đột cộng đồng, do tranh giành quyền lực giữa các thủ lĩnh. Đó cũng có thể là do tín ngưỡng dân gian vì trận dịch bệnh ghê gớm mà họ tin rằng do Yàng phạt. Một lí do khác cũng không kém phần quan trọng là do tập quán du canh du cư cố hữu, đi tìm vùng đất tốt hơn cho sản xuất…

Đến nay người B’râu đã truyền sang đời thứ 6, thứ 7 nên không còn ai biết được nguyên do nào tổ tiên họ ra đi. Từ suối H’yang, người B’râu vượt sông Bờ Y về lại phía Tây, đến sát điểm thắt nút biên giới ba nước và lập Srúk lần thứ 2. Tại đây thủ lĩnh Thao A Yoong qua đời. Họ chôn cất ông cạnh hồ nước ấy và suy tôn là Tổ. Từ đó họ gọi là hồ A Yoong. Tiếp đó, lại một lần nữa người B’râu băng ngược về bờ Đông sông Bờ Y đến cạnh suối L’mar lập Srúk thứ 3 trong chặng dài du mục. Duy chỉ có lần thứ 5 chuyển cư của đồng bào là theo quốc sách định canh định cư, sống cùng các dân tộc anh em khác, chấm dứt cuộc sống biệt lập trước đây.

Tục “cà răng - căng tai”

Đã đến với Đăk Mế, không thể không đến thăm những người phụ nữ nổi tiếng của thôn đó là cụ Nàng Bu - người đàn bà “quyền lực” theo quan niệm của người Brâu và già Y Pan - niềm tự hào của dân tộc này, hiện là đại biểu Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Già Y Pan năm nay đã ngoài 70 nhưng còn rất tinh anh đưa chúng tôi đến túp lều của cụ Nàng Bu. Già yếu và nghèo khó, cụ bà này giờ đây chỉ quẩn quanh trong chiếc lều có chứa bộ áo quan của chính mình. Cụ gần như không còn răng, da mặt và vòng tai sệ xuống sát vai và trên mặt dọc ngang những vết xăm.

Không chỉ có tục “cà răng - căng tai” giống các dân tộc bản địa khác, người B’râu xăm mình để thể hiện địa vị xã hội và của cải. Đàn ông giàu có thì phải xăm lên lưng, ngực… còn phụ nữ thì xăm lên mặt, lên trán. Ai càng uy quyền, nhiều của cải thì càng phải có nhiều hình xăm. Người nào nhiều hình xăm thì sẽ được xem là… đẹp! Việc chịu đau đớn để có được hình xăm cũng là một nghị lực phi thường nên người đó được dân tộc mình coi là dũng cảm và mạnh mẽ.

Tiếc rằng, những người phụ nữ xăm mình như cụ Nàng Bu giờ đây chẳng còn được mấy người. Ngay cả những chiếc lỗ tai trước đây đeo vòng ngà, vòng bạc giờ đây được thay thế bằng ống lồ ô hay nút chai nhựa bởi do quá đói nghèo, những vật trang sức gia bảo ấy đã được đổi thành ngô, lúa và cả… rượu, thuốc lào. Thậm chí có bà lão dùng chiếc ống lồ ô trên tai làm hộp đựng thuốc lào di động, hễ thèm là có thể vê thuốc cho vào tẩu.

Chuyện của già Y Pan cho chúng tôi hy vọng về thế hệ những người phụ nữ Brâu tiên tiến. Những chiến sỹ cách mạng hoạt động trên vùng biên giới Việt Lào những năm 40 thế kỷ trước hẳn ít ai ngờ rằng, cô bé mồ côi mà họ nuôi dưỡng khi hoạt động trên đất Mường May (Lào) sẽ trở thành một trí thức của dân tộc mình. Từ nhỏ, già Y Pan đã làm liên lạc cho đơn vị rồi được tập kết ra Bắc học làm y tá rồi lại trở về phục vụ tại chiến trường B3 (Tây Nguyên).

Sau khi nghỉ hưu, già Y Pan về lại Srúk của mình và bắt tay vào các hoạt động vì cộng đồng như tuyên truyền sinh đẻ có kế hoạch, tuyên truyền về những tác hại của hôn nhân cận huyết thống, vận động nếp sống mới, ăn ở vệ sinh văn minh tiến bộ và bảo tồn và phát huy những phong tục tốt. Bà cùng với các đoàn thể của xã, thôn tuyên truyền để bà con thấy cần phải giữ vững an ninh biên phòng nơi vùng biên giới; không nghe lời tuyên truyền xằng bậy của tin lành Đê-ga và luôn giữ gìn sự đoàn kết, hòa hợp các dân tộc cộng cư quanh mình…

Ngày già Y Pan được bầu là Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, bà con người Brâu và các dân tộc sống nơi ngã ba Đông Dương này tự hào lắm. Tự hào vì một dân tộc chỉ vỏn vẹn trên 300 người mà đại diện được là Ủy viên Trung ương của một tổ chức đoàn kết toàn dân tộc lớn nhất nước. Tự hào bởi già Y Pan đã nói hộ cho lòng người Brâu bằng bài ca “Người Brâu ơn Đảng” mà bà con vẫn hát.

Nỗi lo bảo tồn các nét văn hóa cổ xưa

Dẫu có số dân khiêm tốn, song các giá trị văn hóa phi vật thể, vật thể mà dân tộc này bảo tồn được thực sự rất đáng quý‎. Ngoài dàn cồng chiêng hùng tráng 7 chiếc như các dân tộc Tây Nguyên khác, người Brâu có niềm tự hào với bộ chiêng Tha hai chiếc rất độc đáo. Được các nhà nghiên cứu đánh giá là điều bí ẩn cổ nhất vùng Trường Sơn - Tây Nguyên, chiêng Tha là linh hồn của người Brâu và được sùng kính như tổ tiên của họ. Bà con chỉ dùng cặp chiêng này trong các lễ hội, đám cưới, đám tang.

Đăk Mế giờ chỉ còn 10 bộ chiêng Tha, mỗi bộ có giá trị tương đương với 20 con trâu khỏe. Do được pha bạc hoặc vàng với tỷ lệ cao nên tiếng chiêng rất vang và sáng. Người Brâu chơi chiêng Tha bằng cách dựng sào rồi buộc bộ chiêng lên đó. Hai người chơi ngồi đối mặt với nhau và dùng dùi bọc vải để gõ những bài nhạc độc đáo chỉ dùng cho chiêng Tha mà thôi.

Sự hồi sinh của một tộc người nơi biên ải

Đội chiêng làng Đăk Mế 

Những gì diễn ra trước mắt chúng tôi cho thấy sự phát triển có thể coi là tương đối ổn định đối với cộng đồng người này. Sự quan tâm đầu tư của Nhà nước cùng chính quyền và các lực lượng chức năng đã giúp cho Đăk Mế dần hội nhập với cuộc sống mới. Thiếu tá Thào Khan, cán bộ đồn Công an cửa khẩu Phu Cưa (Lào) là người Brâu sinh sống tại Lào nhận thấy rằng, đời sống của những người anh em dân tộc mình sống trên đất Việt đã có được một sự “vượt khó” đáng phấn khởi. Dân tộc Brâu sống hai bên biên giới đã rất gắn bó, đoàn kết để giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. 

Nhưng có một điều khiến tôi không khỏi ái ngại là hình như bà con đang dần đánh mất đi bản sắc, mất đi sự hồn hậu đáng quý‎. Một bộ phận trong số họ tự coi mình là “dân tộc Trung ương” (với ý nghĩa là dân tộc được Trung ương quan tâm đầu tư) nên dần mất đi tính tự chủ. Họ thản nhiên đòi bồi dưỡng mỗi khi có ai nhờ giúp điều gì đó dẫu chỉ là chỉ đường, cho chụp một tấm ảnh hay quay một chiếc áo truyền thống. Cuộc sống mới, cơ chế thị trường đã khiến họ có nhiều đổi thay tích cự nhưng cũng kéo theo đó nhiều hệ lụy về văn hóa, lối sống, cách ứng xử. Ngay cả già Y Pan cũng buồn nhiều vì những điều này.

Những “điểm tối” đó chắc chắn rồi đây sẽ được khắc phục với sự vào cuộc của nhiều cấp, ngành trong thời gian không xa. Còn chúng tôi, lúc này chỉ có thể qua bài viết của mình gửi lời chia vui để những người anh em đang dần vươn lên giữa lòng dân tộc ấy. Cuối năm 2013 vừa qua, hàng trăm bà con dân tộc Brâu của làng Đăk Mế  đã cùng nổi trống chiêng mừng ngày đại lễ của làng - ngày Đăk Mế  nhận quyết định công nhận danh hiệu Làng Văn hóa!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sự hồi sinh của một tộc người nơi biên ải