Bão Fani, một trong những cơn bão lớn nhất tấn công Ấn Độ trong nhiều năm, đã tràn vào Bangladesh vào thứ Bảy sau khi quét qua Ấn Độ và để lại dấu vết tàn phá kinh hoàng.
Nhờ kịp thời di tản người dân trước thời điểm bão tràn vào, Ấn Độ đã tránh khỏi một thảm họa thiệt hại về con người từng xảy ra trong các trận lốc xoáy trước đây.
Người dân Ấn Độ kiểm tra thiệt hại trên một con phố ở Puri thuộc bang Odisha sau khi cơn bão Fani đi qua
Cảnh sát Bangladesh cho biết 9 người đã thiệt mạng ngay cả trước khi cơn bão đi qua biên giới vào Bangladesh sáng hôm nay (4/5). Tám người khác đã chết ở Ấn Độ, một thống kê sơ bộ cho biết.
Hơn 1,6 triệu người đã được đưa đến nơi trú ẩn, các quan chức Bangladesh nói với AFP, với ít nhất 36 ngôi làng bị ngập lụt sau khi nước dâng do bão tấn công vào các khu vực ven biển.
Người chết bao gồm một trẻ vị thành niên ở quận Barguna trên bờ biển và năm người khác đều bị sét đánh chết ở quận phía bắc Kishoreganj.
"Ít nhất 63 người đã bị thương và hơn 2.000 ngôi nhà bị phá hủy", Shaheen Sultana, một quan chức của Bộ phòng chống thảm họa, nói với AFP.
"Chúng tôi đang cố gắng giữ lấy thuyền vì đó là phương tiện kiếm sống duy nhất của chúng tôi. Chỉ đức Allah mới biết khi nào chúng tôi có thể quay lại câu cá", Akbar Ali, một ngư dân gần thị trấn Dacope ở Bangladesh, nói với AFP trong khi chiến đấu với những đợt sóng dâng cao để buộc thuyền anh vào một cái cây.
Người dân lội dọc theo một con đường bị ngập lụt một phần ở thành phố Puri của Ấn Độ, nơi cơn bão lớn đổ bộ
Cơn bão đã suy yếu thành áp thấp sâu nhưng vẫn là một cú đấm vào Bangladesh với sức gió lên đến 70 km (45 dặm) mỗi giờ và mưa lớn dồn dập qua đêm và vào sáng thứ bảy tại bang Tây Bengal của Ấn Độ và thủ phủ của nó Kolkata, nhấn chìm khu rừng ngập mặn Sundarbans - là một trong những khu rừng ngập mặn lớn nhất thế giới. Phần lớn diện tích của rừng Sundarbans nằm tại Bangladesh, một phần còn lại trở thành vườn quốc gia Sundarban của Ấn Độ.
Hàng trăm nghìn người đã được yêu cầu sơ tán khỏi các khu vực ven biển ở Tây Bengal trước khi Fani xuất hiện, với 5.000 người rời khỏi các khu vực trũng thấp và các tòa nhà cũ nát ở thành phố Kolkata - nơi sinh sống của 4,6 triệu người.
"Hàng chục người đã bị mắc kẹt khi một tòa nhà cũ ở phía bắc thành phố bị sụp đổ", thị trưởng Firhad Hakim nói.
Thủ tướng Narendra Modi, người đang hy vọng được bầu lại trong cuộc bầu cử sắp tới ở Ấn Độ, đã thông báo trên twiter rằng ông sẽ tới thăm Odisha, nơi 46 triệu người trong số những người nghèo nhất và bị ảnh hưởng nặng nhất của Ấn Độ.
Lốc xoáy Fani nhổ bật cây cối, đường dây điện và các tòa nhà bị hư hại nặng
Tám người đã thiệt mạng ở Odisha, hãng tin Press Trust của Ấn Độ (PTI) đưa tin, bao gồm một cậu bé tuổi 15 tuổi bị cây đổ đè vào người và một phụ nữ bị mảnh vỡ bê tông đâm vào.
Chưa xác định được chính xác số người chết ở Odisha, quan chức quản lý thảm họa Odisha, ông Bohhat Mahapatra nói với AFP, có khoảng 160 người bị thương ở Puri.
"Trời vừa tối, rồi đột nhiên chúng tôi chỉ có thể nhìn thấy năm mét trước mặt chúng tôi", một người dân Puri nói.
PTI báo cáo rằng một cần cẩu xây dựng đã bị đổ và một buồng cảnh sát đã bị gió kéo đi 60 mét. Các trụ điện bị sập, các mái tôn bị xé toạc và cửa sổ trên nhiều tòa nhà bị đập vỡ.
Khi Fani đi qua và di chuyển về hướng đông bắc, chính quyền Odisha đã ngay lập tức tiến hành công tác dọn dẹp những cây đổ và các mảnh vỡ vương vãi trên đường để khôi phục các dịch vụ điện thoại và internet. Hình ảnh trên không cho thấy lũ lụt bao phủ trên diện rộng.
Đường của siêu bão Fani từ Ấn Độ qua Bangladesh
Gouranga Malick, 48 tuổi, trong khi nhặt những viên gạch còn lại của ngôi nhà nhỏ hai phòng mà gia đình sáu người của anh đã ở nói, "Tôi chưa bao giờ chứng kiến cơn bão nào tàn phá dữ dội như vậy trong đời", ông nói với AFP.
"Cơ sở hạ tầng điện đã bị phá hủy hoàn toàn", Bộ trưởng Naveen Patnaik của Odisha nói.
Các cảng đã bị đóng cửa nhưng Hải quân Ấn Độ đã gửi tàu chiến đến khu vực bão để giúp đỡ nếu cần. Hàng trăm công nhân đã được đưa ra khỏi các giàn khoan dầu ngoài khơi.
Đông Ấn Độ thường xuyên bị vùi dập bởi những cơn bão ngoài khơi vịnh Bengal, với 10.000 người thiệt mạng trong một cơn bão năm 1999.
Lần này, hơn một triệu người đã được sơ tán tại bang trước khi Fani tấn công nên thiệt hại về con người được hạn chế rõ rệt.
"Bây giờ công nghệ đã được cải tiến rất nhiều", Mahesh Palawat của Skymet, một nhà dự báo thời tiết tư nhân, nói với AFP. "Chính quyền Ấn Độ đã có thời gian khoảng tám ngày đủ để chuẩn bị và phân bố các đội ứng phó thảm họa."