Tình trạng đê sông Bùng bị sạt lở ngày càng nghiêm trọng khiến người dân như “ngồi trên đống lửa”. Nếu không được xử lý kịp thời thì mùa mưa bão năm nay, đất sản xuất của người dân có nguy cơ bị xóa sổ…
Đã nhiều năm nay, người dân xã Diễn Nguyên, huyện Diễn Châu (Nghệ An), luôn sống trong thấp thỏm lo âu khi đất đê sông Bùng, đoạn giáp ranh với làng Tân Phong và Tân Cảnh thuộc 3 xóm của xã đang bị cuốn trôi từng ngày theo con nước.
Dẫn chúng tôi đi thẳng về phía đoạn đê dài đang bị “ăn mòn” từng ngày, ông Đàm Công Chính - Phó chủ tịch xã Diễn Nguyên cho biết: “Vấn đề sạt lở đê sông Bùng đã được kiến nghị nhiều lần rồi, các cuộc họp ở các cấp, tiếp xúc cử tri, tiếp xúc Đại biểu Quốc hội đều đã phản ánh. Thế nhưng, vấn đề này vẫn chưa được xử lý. Địa phương cũng chỉ biết tiếp thu phản ánh và báo cáo lên cấp trên”.
Bờ đê Sông Bùng đang bị sạt lở từng ngày, đe dọa hàng chục ha lúa của người dân.
Cũng theo người dân cho hay, bờ đê Sông Bùng trước kia bề mặt rộng khoảng 4m, chưa kể phần chân đê người dân cấy lúa ngoài đó. Thế nhưng đến nay, nhiều đoạn đã bị sạt lở nghiêm trọng, những ruộng lúa ngoài chân đê mất hút. Hiện nay, đê đang có dấu hiệu tiếp tục sạt lở, ảnh hưởng rất lớn tới việc đi lại, cũng như thu hoạch vụ mùa của người dân sắp tới, bởi phương tiện là xe kéo tự chế cũng không thể đi qua được.
Được biết, tuyến đê sông Bùng đoạn qua xã Diễn Nguyên thuộc dự án cải tạo, nâng cấp Kênh Vách Nam Sông Bùng do Sở Nông Nghiệp và PTNT tỉnh Nghệ An làm chủ đầu tư. Tại địa bàn xã đã thi công được khoảng 800m và một số cống tiêu qua đê. Đoạn đê bị sạt lở có chiều dài khoảng 500m nằm ở phía cầu Lùm, tại địa bàn xã Diễn Nguyên.
Ông Ngô Xuân Tiềm – Xóm trưởng xóm 2 chỉ tay về phía những mảng đất lớn đang bị sạt lở xuống sông Bùng.
Ngoài việc sạt lở bờ đê sông Bùng, người dân còn phản ánh, trong quá trình thi công dự án, nhiều diện tích đất lúa bị thu hồi để phục vụ dự án, nhưng đến nay người dân vẫn chưa được nhận tiền đền bù. Dự án thi công dang dở rồi bỏ đó, ảnh hưởng đến việc sản xuất của người dân. Không chỉ vậy, một số cống tiêu thoát nước theo người dân, đơn vị thi công đặt chưa hợp lý, nơi cần thì không có cống, nơi không cần lại đặt cống, khiến mùa mưa nước không thoát kịp, dẫn đến ruộng bị ngập nước ảnh hưởng đến năng suất lúa.
Được biết, dự án nâng cấp, cải tạo Kênh Vách Nam Sông Bùng qua địa bàn xã có 69 hộ được đền bù với tổng số tiền là 658.900.800 đồng. Đến nay, 80% số tiền người dân đã được nhận. Còn lại một số người dân vẫn phải chờ đợi nhiều năm qua, dù đã kiến nghị các cấp nhiều lần, nhưng không biết đến bao giờ người dân mới được hỗ trợ.
Theo người dân, trong quá trình thi công dự án, một số cống tiêu nước (cống ngang phía trên) được đặt chưa hợp lý, nên mùa mưa ruộng lúa dễ bị ngập nước khiến giảm năng suất lúa.
Ông Ngô Xuân Tiềm – Xóm trưởng xóm 2 cho biết: “Do nhận thức đây là công trình trọng điểm phục vụ lợi ích cho nông nghiệp, bảo vệ mùa màng khỏi lũ lụt, nên nhân dân đồng ý cho Ban quản lý dự án, Ban giải phóng mặt bằng huyện và nhà thầu thi công tuyến đường hộ đê số 2 (Đoạn từ cầu Chùa – Bờ tả đê sông Bùng). Thế nhưng, đến nay đã nhiều năm trôi qua mà nhân dân vẫn chưa nhận được tiền đền bù dù đã nhiều lần có ý kiến với đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp”.
Trao đổi với PV, ông Lê Thế Hiếu – Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Diễn Châu cho biết: “Tuyến đê Sông Bùng đoạn qua xã Diễn Nguyên thuộc dự án Cải tạo, nâng cấp Kênh Vách Nam – Sông Bùng do Sở Nông nghiệp và PTNT là chủ đầu tư và được triển khai thực hiện từ năm 2012, nhưng đã phải dừng lại từ năm 2015 vì không được bố trí vốn do Nhà nước thực hiện cắt giảm đầu tư công”.
Phòng cũng đang rất lo lắng về thực trạng sạt lở ở bờ đê Sông Bùng, tuy nhiên kinh phí để thực hiện là không thể. Về hướng xử lý, UBND huyện sẽ báo cáo trình UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT về tình trạng sạt lở để xin ý kiến xử lý, ông Hiếu cho biết thêm.
Mùa mưa bão lại đến gần, nỗi lo của người dân lại hiện hữu. Bởi, nếu không được xử lý kịp thời thì nhiều diện tích đất sản xuất của người dân có nguy cơ biến mất trong chốc lát. Rất mong các cơ quan chức năng khẩn trương vào cuộc, đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”.