Sân chơi kinh tế toàn cầu, “đại gia dầu” quyết không làm “khán giả”

Ý Thơ| 28/01/2016 19:21
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau khi việc thực thi thỏa thuận hạt nhân có hiệu lực, Tổng thống Rouhani đã có chuyến công du châu Âu nhằm thúc đẩy tiến trình trở lại sân chơi kinh tế toàn cầu của Tehran.

Tiềm lực kinh tế được xem là nhân tố đảm bảo cho vị thế của một quốc gia trên vũ đài chính trị quốc tế. Và trong xu thế hội nhập, một khi bị gạt ra ngoài cuộc chơi kinh tế toàn cầu, dù có là “đại gia” thì “túi tiền” chẳng những khó có thể “phình to”, mà thậm chí còn bị “hao hụt” nhiều phần.

Là cái nôi của chủ nghĩa thực dụng, nói một cách “thực dụng” nhất, Mỹ tỏ ra khá “khôn ngoan” khi áp dụng lệnh cấm vận kinh tế với những nước bị xem là “nguy cơ đe dọa” cho lợi ích quốc gia mình cũng như đồng minh. Dư khả năng để đơn phương trừng phạt, song Mỹ thừa hiểu mượn tiếng nói và sự “chung sức” của các định chế quốc tế sẽ có hiệu quả hơn gấp nhiều lần.

Sân chơi kinh tế toàn cầu, “đại gia dầu” quyết không làm “khán giả”

Ảnh minh họa

Sân chơi kinh tế toàn cầu: “Đại gia” Iran làm… “khán giả”

Trong bài phát biểu tại Nhà Trắng vào đúng ngày việc thực thi thỏa thuận hạt nhân Iran chính thức có hiệu lực (16/1), Tổng thống Barack Obama đã tuyên bố: “Thế giới an toàn hơn sau khi thực thi thỏa thuận hạt nhân với Tehran”. Quả vậy, “an toàn và hòa bình” cũng chính là “lý do chính đáng” để Washington kêu gọi Liên hiệp quốc áp đặt lệnh trừng phạt đối với Iran do chương trình hạt nhân của nước này. Bị Mỹ áp dụng chính sách trừng phạt từ sau cuộc Cách mạng Hồi giáo vào năm 1979, đến năm 2006 Iran lại bị Liên hiệp quốc và Liên minh châu Âu (EU) phong tỏa kinh tế.

Mặc dù một mực khẳng định chương trình hạt nhân của mình hoàn toàn vì mục đích hòa bình, song những vụ thử nghiệm tên lửa, hoạt động làm giàu uranium - có thể được sử dụng cho mục đích chế tạo vũ khí nguyên tử, cùng những phát biểu có phần “quá khích” lại biến Iran trở thành mối lo ngại cho cộng đồng quốc tế. Động thái của Tehran, theo nhiều nhà phân tích, chẳng khác gì sự phản bác lại “tuyên bố sách vở” của mình.

Sân chơi kinh tế toàn cầu, “đại gia dầu” quyết không làm “khán giả”

Dưới tác động của lệnh trừng phạt kinh tế, đời sống người dân Iran gặp khó khăn

Thực tế, các biện pháp trừng phạt mà Washington và phương Tây dội xuống Tehran đã phát huy “hiệu quả”. Là “đại gia dầu mỏ” ở Trung Đông, nắm giữ 10% trữ lượng dầu lửa được phát hiện của thế giới, thế nhưng GDP bình quân đầu người của Iran thay vì ngang hàng với những ông lớn khác như Arập Saudi hay Kuwait lại chỉ nhỉnh hơn Iraq, quốc gia điêu đứng vì chiến tranh.

Dầu hỏa mất giá nghiêm trọng khiến đời sống người dân trở nên chật vật. Theo nhiều nghiên cứu, GDP của Iran bị thiệt hại từ 15-20% bởi các biện pháp trừng phạt nước này phải hứng chịu từ năm 2006- 2014. Không chỉ có vậy, từ năm 2011, đồng tiền Iran đã bị mất giá gần 80%; tỷ lệ lạm phát trong năm 2013 và 2014 tăng từ 35 đến 50%...

Trở lại làm “người chơi”

Tổng thống Hassan Rouhani, người kiên trì theo đuổi nỗ lực thực hiện thỏa thuận hạt nhân, và khẳng định bảo vệ bản thỏa thuận đạt được với nhóm P5+1 có thể nói đã thổi một luồng gió mới nhằm thay đổi tư tưởng của người dân nước này. Với quan điểm “thực dụng và đổi mới”, theo ông, đã qua cái thời xem việc mở cửa cho các nước lớn vào đầu tư sẽ đe dọa đến an ninh lợi ích quốc gia.  Lấy khôi phục kinh tế làm trọng tâm sau khi lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, Iran kỳ vọng đẩy mạnh xuất khẩu dầu khí, hội nhập trở lại vào hệ thống tài chính thế giới, thu hút đầu tư nước ngoài.

Sân chơi kinh tế toàn cầu, “đại gia dầu” quyết không làm “khán giả”

Iran - "đại gia dầu mỏ" ở Trung Đông

Tuy nhiên, dù ý thức được lợi thế của mình, song theo Tổng thống Hassan Rouhani, tiềm lực kinh tế của Iran không chỉ phụ thuộc vào dầu. Trình bày tại Quốc hội bản dự thảo ngân sách Nhà nước cho năm tài chính tiếp theo, nhà lãnh đạo Iran cho rằng cần phải tiến hành cải cách kinh tế, “cai nghiện dầu” cho người dân, mở cửa đầu tư vào các lĩnh vực khác.

Xác định kinh tế không những là “đòn bẩy” mà còn như một “chất xúc tác” giúp lộ trình tái hòa nhập thế giới được rút ngắn và bớt chông gai, chỉ ít ngày sau khi việc thực thi thỏa thuận hạt nhân có hiệu lực, Tổng thống Iran đã có chuyến công du chính thức châu Âu 4 ngày, đến Ý và Pháp. Thực tế, trước khi Tehran bị áp đặt lệnh cấm vận, Ý từng là đối tác thương mại lớn nhất của Iran ở châu Âu.

Tại sao lại châu Âu?

Thực tế, trước khi Tehran bị áp đặt lệnh cấm vận, Ý từng là đối tác thương mại lớn nhất của Iran ở châu Âu. Và trong khuôn khổ chuyến thăm Ý từ ngày 25-26/1, Iran - Italy đã ký các hợp đồng trị giá lên tới 17 tỷ euro (18,4 tỷ USD) liên quan tới nhiều lĩnh vực như năng lượng, cơ sở hạ tầng, thép và đóng tàu. Khi kêu gọi các nhà đầu tư hỗ trợ cho công cuộc hiện đại hóa nền kinh tế Iran, Tổng thống Rouhani khẳng định: chính phủ Iran “sẵn sàng tạo các cơ chế ưu đãi và điều kiện thuận lợi nhằm thu hút đầu tư và tiếp nhận chuyển giao công nghệ”, “cam kết sẽ tạo môi trường kinh doanh ổn định”; đồng thời trấn an giới đầu tư rằng Iran là quốc gia “an toàn và ổn định nhất tại Trung Đông”.

Tại sao Tổng thống Rouhani lại chọn EU chứ không phải Mỹ hay Nga? Nhiều người cho rằng, một khi chính đối thủ chịu “nhượng bộ” để thỏa thuận hạt nhân thành công, thì việc mong muốn được hợp tác với Mỹ chẳng phải là lựa chọn khiến Nhà Trắng “đẹp lòng”? Còn Moscow, đó chẳng phải đồng minh với Tehran sao!

Sân chơi kinh tế toàn cầu, “đại gia dầu” quyết không làm “khán giả”

Tổng thống Iran Hassan Rouhani có cuộc hội kiến Giáo hoàng Francis tại Vatican hôm 26/1 trong chuyến công du Ý hai ngày 25-26/1.

Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, Mỹ và phương Tây tuyên bố vẫn tiếp tục áp lệnh trừng phạt Iran trên những vấn đề liên quan đến nhân quyền, khủng bố, vũ khí và công nghệ tên lửa đạn đạo thêm 5 - 8 năm nữa, và theo họ, điều này không hề vi phạm thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với Nhóm P5+1. Còn Nga, lúc này đang gặp khó khăn.  

Trong khi đó, EU là một một thực thể chính trị và kinh tế lớn và quan trọng hàng đầu thế giới. EU có 2/5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, 4/7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (nhóm G7) và 4/20 nước trong nhóm G20… Và mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn kinh tế trong những năm qua, EU vẫn giữ vai trò là nhà tài trợ lớn nhất thế giới với 53 tỷ Euro viện trợ phát triển (ODA) dành cho các nước đang phát triển trong năm 2011, chiếm hơn 60% tổng viện trợ của thế giới.

Thời điểm hiện tại, sau một thời gian dài bị cấm vận, mặc dù có thể rút một khoản tiền khổng lồ từ tài khoản bị đóng băng sau khi thỏa thuận hạt nhân có hiệu lực, song Iran vẫn cần rất nhiều vốn. Ý và Pháp là hai quốc gia có công nghệ và khả năng đầu tư. Như vậy có thể nói, lựa chọn của Tổng thống Rouhani là hoàn toàn đúng đắn và thức thời.

Kết

Việc cởi bỏ rào cản đối với Iran không chỉ có lợi đối với bản thân quốc gia này mà là điều nhiều nhà đầu tư nước ngoài khác vô cùng trông đợi. Tuy nhiên, bản chất của sự thành công trong đàm phán ký kết thỏa thuận hạt nhân Iran phần nhiều nằm ở sự nhượng bộ của cả Washington và Tehran. Mà sự chấp nhận thường có một  ngưỡng nhất định, và chỉ cần bất cứ động thái “vượt ngưỡng” nào cũng có thể khiến bản thỏa thuận bị phá sản.

Iran vẫn luôn là “nỗi lo thường trực” đối với Israel. Mỹ thì bất cứ lúc nào cũng có thể áp đặt lệnh trừng phạt mới (bằng chứng là quyết định của Bộ Tài chính Mỹ hôm 11/1 vừa qua đối với những cá nhân và tổ chức bị cáo buộc liên quan đến chương trình thu mua phát triển tên lửa đạn đạo của Tehran). Đặc biệt, trong bối cảnh các tổ chức Hồi giáo cực đoan trỗi dậy gây ra nhiều vụ tấn công khủng bố đẫm máu, thế giới có cái nhìn không mấy thiện cảm và khá “dè chừng” đối với người Hồi giáo, việc cần làm chính là loại bỏ “hình ảnh tiêu cực” này, và theo Tổng thống Rouhani, điều đó “tùy thuộc vào người Hồi giáo”. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sân chơi kinh tế toàn cầu, “đại gia dầu” quyết không làm “khán giả”