Khi Thanh tra huyện kiến nghị UBND huyện không chuyển hồ sơ qua Công an về những sai phạm ở trường Tiểu học Lê Văn Tám (xã Bờ Ngoong, Chư Sê, Gia Lai) đã dấy lên những nghi ngại trong việc đề xuất, xử lý vụ việc.
Khó hiểu với kiến nghị, đề xuất của Thanh tra huyện
Trước đó, Báo Công lý đã đăng tải thông tin phản ánh về những sai phạm của nữ kế toán và sự buông lỏng quản lý của Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Văn Tám gây nên những bức xúc của giáo viên trong nhà trường.
Tại báo cáo kết quả xác minh số 19/BC-TTr ngày 11/4/2017 về nội dung đơn kiến nghị của các giáo viên trường tiểu học Lê Văn Tám đối với những sai phạm của bà Siu Huyn - Kế toán nhà trường và Hiệu trưởng Lê Thị Lý, Thanh tra huyện đã kết luận các nội dung mà giáo viên kiến nghị là đúng và Thanh tra huyện cũng đưa ra kiến nghị, đề xuất kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với Ban giám hiệu nhà trường, kiểm điểm trách nhiệm đối với bà Lê Thị Lý-Hiệu trưởng nhà trường.
Phần đề xuất kiến nghị "khó hiểu" của Thanh tra huyện Chư Sê
Đối với bà Siu Huyn, Thanh tra huyện đã kết luận các hành vi vi phạm của nữ kế toán đối với việc giả mạo chữ ký của chủ tài khoản nhằm mục đích chuyển tiền ngân sách của nhà trường vào tài khoản cá nhân với số tiền hơn 252 triệu đồng để chiếm đoạt sử dụng tiêu xài cho mục đích cá nhân, vi phạm nhiều lần, tự ý vào phòng làm việc của Hiệu trưởng để lấy con dấu sử dụng sai mục đích là “vi phạm pháp luật có dấu hiệu tội phạm”.
Tuy nhiên trong cũng trong báo cáo, Thanh tra huyện cho rằng nữ kế toán đã biết ăn năn hối lỗi, khắc phục hậu quả (mặc dù còn hơn 26 triệu đồng chưa khắc phục xong), cùng với đó kế toán là người đồng bào dân tộc thiểu số nên “đề nghị UBND huyện xem xét không chuyển hồ sơ qua công an điều tra huyện để tiếp tục điều tra theo quy định”.
Có dấu hiệu "bỏ lọt tội phạm"
Tại buổi làm việc với ông Nguyễn Hữu Tâm - Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Sê, ngoài báo cáo kết quả xác minh, khi được hỏi về những đề xuất, kiến nghị của Thanh tra huyện, ông Tâm cho biết: “Đây là thẩm quyền đề xuất của Thanh tra, tôi thấy đề xuất cũng hợp lý. Còn vấn đề Hiệu trưởng giữ con dấu thì về mặt quy định hành chính Hiệu trưởng không được giữ con dấu, nếu Hiệu trưởng giữ con dấu là sai”.
Khi PV hỏi đến số tiền lãi BHXH mà trường phải đóng, ông Tâm cho rằng đó là “trách nhiệm của Kế toán và Hiệu trưởng”.
Về vấn đề Hiệu trưởng vượt thẩm quyền, khi thay UBND huyện ra Quyết định buộc thôi việc đối với kế toán, ông Tâm cho biết là bản thân chưa nắm được sự việc, nhưng theo ông, nếu Hiệu trưởng có ra quyết định như vậy thì không đúng, vì trường chỉ có chức năng sử dụng người còn UBND huyện mới có chức năng quản lý. Đến thời điểm hiện tại thì UBND huyện Chư Sê chỉ ủy quyền cho các trường tự chủ về mặt ngân sách.
Trong khi đó, Luật sư Phạm Ngọc Quang-Trưởng Văn phòng luật sư Quang Phạm (Đoàn luật sư tỉnh Gia Lai) cho rằng: “Sai phạm của nhân viên kế toán trường Lê Văn Tám có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự và có thể cấu thành tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” hoặc “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bởi lẽ, nhân viên này đã lợi dụng công việc được giao, lợi dụng sự tin tưởng của Hiệu trưởng và các giáo viên khác, cùng với việc dùng thủ đoạn gian dối như cố tình chuyển tiền sai tài khoản, chuyển thiếu tiền hoặc giả chữ ký của Hiệu trưởng để chiếm đoạt số tiền lớn sử dụng vào mục đích cá nhân.
Hành vi này, đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm và phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại “Điều 139” hoặc “Điều 140” của BLHS. Việc trả lại tiền đã chiếm đoạt chỉ được xem là tình tiết giảm nhẹ (người phạm tội tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả).
Luật sư Quang nhấn mạnh: “Khi phát hiện hành vi này, các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ tiến hành điều tra, truy tố, xét xử mà không phụ thuộc vào yêu cầu của người bị hại (trường Lê Văn Tám, giáo viên). Việc Thanh tra huyện cho rằng nữ nhân viên kế toán đã hoàn trả một phần số tiền chiếm đoạt, ăn năn hối cải và là người dân tộc thiểu số nên không đề nghị xử lý hình sự là chưa phù hợp với quy định của pháp luật”.
Luật sư Nguyễn Duy Ngọc-Trưởng VP luật sư Thiên Phú (Đoàn luật sư tỉnh Gia Lai)
Luật sư Nguyễn Duy Ngọc-Trưởng VP luật sư Thiên Phú (Đoàn luật sư tỉnh Gia Lai) bày tỏ quan điểm: "Tại phần kết luận, cũng như kiến nghị đề xuất của Thanh tra huyện đã nói rất rõ đây là hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu tội phạm. Do vậy, căn cứ vào điều 100, điều 101 của Bộ luật Tố tụng hình sự khi phát hiện được hành vi có dấu hiệu tội phạm, mọi công dân có quyền và nghĩa vụ báo (bằng văn bản, hoặc bằng lời nói) cho các cơ quan có thẩm quyền ghi lại, cụ thể ở đây là Công an, VKS, TAND. Các cơ quan này, theo chức năng nhiệm vụ được quy định của pháp luật ra quyết định khởi tố vụ án, nếu xác định rõ ràng hành vi của bà Siu Huynh như kết quả của Thanh tra huyện thì có thể khởi tố bị can".
Về phía các giáo viên, đều có mong muốn cơ quan chức năng có thẩm quyền nên vào cuộc điều tra làm rõ, để xử lý trách nhiệm trên tinh thần “đúng người, đúng tội và đúng pháp luật”.