Quyền tiếp cận giao thông hàng không của người khuyết tật

Mai Linh| 20/06/2019 22:34
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng 20/6, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội nghị tuyên truyền phổ biến pháp luật và tư vấn, trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật (NKT) về “Quyền tiếp cận giao thông hàng không của người khuyết tật” năm 2019.

Hội nghị do Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi Việt Nam tổ chức, với sự tham dự của đại diện các cơ quan, đơn vị, hãng hàng không và đông đảo người khuyết tật đến từ 12 tỉnh, thành trên cả nước.

Tham dự hội nghị còn có đại diện của: Ban Dân vận Trung ương, Cục Bảo trợ xã hội thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Cục Trợ giúp pháp lý thuộc Bộ Tư pháp, Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam, Hội người mù Việt Nam, Hội trợ giúp người khuyết tật Việt Nam, Hội người khuyết tật Hà Nội, Trung tâm hành động vì sự phát triển cộng đồng, Trung tâm Sống độc lập Hà Nội, Ban hành động vì sự phát triển hòa nhập, Sở Tư pháp Hà Nội...

Quyền tiếp cận giao thông hàng không của người khuyết tật

Các đại biểu tham dự hội nghị chụp ảnh lưu niệm

Trải nghiệm của NKT khi sử dụng dịch vụ hàng không

Hội nghị đã lắng nghe tiếng nói của một số đại biểu NKT như chị Nguyễn Thị Lan Anh - Giám đốc Trung tâm ACDC, anh Nguyễn Khánh Lâm về những trải nghiệm thực tế của NKT khi sử dụng dịch vụ của một số hãng hàng không trong nước. Hầu hết hành khách NKT chưa hài lòng với chất lượng phục vụ của các hãng hàng không giá rẻ do những thiếu sót trong hỗ trợ NKT tiếp cận với các dịch vụ hàng không.

Điển hình là trường hợp của anh Lâm khi sử dụng dịch của của một hãng hàng không giá rẻ trong nước. Theo lời anh, trước giờ bay chỉ 3 tiếng, anh đã nhận được điện thoại của nhân viên hãng này thông báo từ chối cung cấp dịch vụ vận chuyển của vé đã mua và đề xuất hoàn vé cho khách với lý do không có nhân viên hỗ trợ trong trường hợp hành khách khuyết tật cần sử dụng dịch vụ xe lăn.

Quyền tiếp cận giao thông hàng không của người khuyết tật

Đại diện một số đơn vị tham dự hội nghị giải đáp thắc mắc của người khuyết tật

Tuy nhiên, anh Lâm không phải NKT đầu tiên không được sử dụng dịch vụ hàng không của hãng. Trước đó, hãng cũng đã từng từ chối cung cấp dịch vụ vận chuyển đối với nhiều hành khách khuyết tật sử dụng xe lăn dựa trên nhiều lý do khác nhau, như trường hợp của chị Nguyễn Thị Vân (Giám đốc Trung tâm Nghị lực sống), anh Lê Đức Hiền (Đồng Nai)…

Bị từ chối cung cấp dịch vụ vận chuyển chỉ là một trong số nhiều tình huống trở ngại đối với NKT khi tiếp cận giao thông hàng không. Nhiều hành khách khuyết tật còn gặp phải trường hợp éo le khác khi xe lăn do hãng hàng không giá rẻ vận chuyển bị gãy, hỏng mà không nhận được sự hỗ trợ hay chịu trách nhiệm nào từ phía hãng. Hay các hãng hàng không giá rẻ không có các thiết bị cần thiết để hỗ trợ NKT thuận tiện trong việc di chuyển trong sân bay hoặc trên máy bay…

Tham dự hội nghị, đại diện của hãng Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết, Vietnam Airlines là đơn vị rất nỗ lực trong hoạt động cung cấp dịch vụ hàng không trợ giúp các hành khách NKT, bao gồm hành khách sử dụng xe lăn, hành khách khiếm thính và hành khách khiếm thị.

Theo đại diện Vietnam Airlines, số lượng hành khách NKT sử dụng dịch vụ hàng không của hãng có xu hướng tăng đều qua các năm. Trong ba kỳ Paragames diễn ra tại Singapore (2015), Kuala Lumpur (2017) và Jakarta (2018), Vietnam Airlines đã phục vụ thành công tổng cộng hơn 200 vận động viên khuyết tật, vận chuyển an toàn hàng trăm dụng cụ thể thao đặc biệt cũng như cung cấp các dịch vụ đặc thù cần thiết cho NKT.

Đặc biệt, hãng từng đón tiếp một hành khách khuyết tật tên Judith E. Heumann quốc tịch Mỹ. “Cô Heumann sử dụng dịch vụ của Vietnam Airlines ngày 5/5/2015 trong chuyến bay từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Hà Nội, với yêu cầu rất đặc biệt là cung cấp 8 cái chăn và 12 cái gối để kê chèn người khi ngồi trên máy bay. Được Vietnam Airlines đáp ứng và phục vụ tận tình, cô đã vô cùng hài lòng và gửi lời cảm ơn hãng sau khi kết thúc hành trình”, ông Đăng kể lại.

NKT có quyền bình đẳng trong sử dụng dịch vụ hàng không

Tại hội nghị, ông Nguyễn Trọng Đàm - nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam, Phó Chủ tịch TW Hội nhấn mạnh: “Khuyết tật là sản phẩm của xã hội, tồn tại khách quan trong bất kỳ xã hội nào, thời điểm nào. Ở đất nước nào cũng có người lành và người khuyết mà không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của con người”.

Ông cho biết: Khuyết tật khiến cho con người gặp những khó khăn nhất định trong lao động, học tập, sinh hoạt, hòa nhập xã hội để có thể thực hiện được các quyền của mình bình đẳng như những người khác. Những khó khăn này khiến cho NKT luôn phải đối diện với nhiều thách thức trong cuộc sống, mà một trong những thách thức khó vượt qua nhất là sự phân biệt đối xử và kỳ thị.

Trao đổi bên lề hội nghị, một số thành viên Đội Sinh viên tình nguyện - Học viện Phụ nữ Việt Nam cho biết: “Tham dự hội nghị, chúng tôi có cơ hội hiểu rõ hơn những hoàn cảnh khó khăn của những NKT; nhu cầu và nguyện vọng của họ nhất là trong việc sử dụng phương tiện di chuyển công cộng và việc đáp ứng các nhu cầu đó của họ trên thực tế các bên liên quan… Bên cạnh đó, chúng tôi hiểu hơn về trách nhiệm của bản thân trong việc phát huy xây dựng những giải pháp mà hội nghị đã đề cập; đồng thời sáng tạo những cách thức mới để chung tay giúp đỡ NKT, tạo điều kiện để họ hòa nhập với cộng đồng”.

Tuy nhiên, như bao người lành lặn, NKT có đầy đủ các quyền được pháp luật bảo vệ để hòa nhập và phát triển. Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã gia nhập năm 1982 khẳng định tại Điều 25: “Mỗi công dân, không có bất kỳ sự phân biệt nào và không có sự hạn chế bất hợp lý nào, đều có quyền và cơ hội để được hưởng các dịch vụ công cộng tại đất nước của mình trên cơ sở bình đẳng”.

Có thể nói, quyền tiếp cận giao thông hàng không của NKT là vấn đề tuy không mới nhưng ngày càng trở nên bức thiết bởi nhu cầu hòa nhập sâu rộng vào mọi lĩnh vực đời sống của NKT nặng và đặc biệt nặng, và thực tiễn vẫn còn những khó khăn nhất định.

Hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tư vấn, trợ giúp pháp lý về quyền tiếp cận giao thông hàng không của NKT là một cầu nối nhằm góp phần tuyên truyền quyền bình đẳng của NKT trong sử dụng dịch vụ hàng không; tạo diễn đàn trao đổi, thấu hiểu, thông cảm, chia sẻ giữa các hãng hàng không và hành khách NKT; nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong cung cấp dịch vụ của các hãng hàng không. Hội nghị là diễn đàn tập hợp ý kiến, tiếng nói, nguyện vọng, kiến nghị của cộng đồng NKT đối với những thuận lợi, khó khăn trong tiếp cận dịch vụ hàng không. Từ đó, tạo sự thúc đẩy các cơ quan quản lý nhà nước quan tâm hơn đến việc bảo đảm thực hiện quyền của NKT trong tiếp cận dịch vụ hàng không, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về lĩnh vực này và xử lý vi phạm.  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyền tiếp cận giao thông hàng không của người khuyết tật