Quy hoạch phải phù hợp với sự phát triển và khả năng tài chính quốc gia

Mai Thoa| 11/11/2016 13:34
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau 30 năm đổi mới, nền kinh tế đất nước đã có nhiều thay đổi, trong khi công tác quy hoạch chưa theo kịp sự đổi mới và đã bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, gây khó khăn trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội, làm lãng phí nguồn lực của đất nước.

Dự án Luật Quy hoạch với kỳ vọng sẽ khắc phục được tình trạng này.

Nhiều quy hoạch không phù hợp gây lãng phí

 Dự án Luật Quy hoạch đã được Chính phủ trình và thảo luận tại Quốc hội ngày 9/11. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, công tác quy hoạch của chúng ta hiện chưa theo kịp trước sự đổi mới và bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, gây khó khăn trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội; làm lãng phí nguồn lực của đất nước, ảnh hưởng tới môi trường sinh thái và cản trở các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp, của người dân.

Cụ thể là quy hoạch được lập quá nhiều, thời kỳ 2001-2010 mới chỉ lập 3.114 quy hoạch, nhưng đến thời kỳ 2011-2020 đã lập 12.860/19.285 quy hoạch. Chất lượng quy hoạch thấp như quy hoạch xi măng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến nay đã có 3 lần điều chỉnh. Quy hoạch không gắn với nhu cầu sử dụng cũng như nguồn lực thực hiện và thiếu tính khả thi gây lãng phí nguồn lực của đất nước. Giai đoạn 2011-2020, nhu cầu vốn đầu tư ưu tiên phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng nằm trong các quy hoạch là khoảng 385-390 tỷ USD, song thực tế khả năng huy động chỉ đạt khoảng 210-215 tỷ USD (khoảng 50%); việc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch bị buông lỏng, chưa xử lý kịp thời và thiếu kiên quyết trong chỉ đạo điều hành…

Quy hoạch phải phù hợp với sự phát triển và khả năng tài chính quốc gia

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020

Chính vì vậy, việc ban hành Luật Quy hoạch là cần thiết và cấp bách hiện nay để khắc phục những hạn chế, yếu kém của công tác quy hoạch, đồng thời hướng tới sự cải cách toàn diện về công tác quy hoạch để quy hoạch thực sự là công cụ quan trọng, hữu hiệu giúp Nhà nước kiến tạo sự phát triển. Luật Quy hoạch cũng sẽ là giải pháp quan trọng để đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh quốc gia. 

Dự thảo Luật được soạn thảo theo hướng điều chỉnh chung cho tất cả các loại quy hoạch trên phạm vi cả nước về: Lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và thực hiện các loại quy hoạch; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia hoạt động quy hoạch.

Về đề nghị xem xét thẩm quyền của Quốc hội trong việc quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể quốc gia, Bộ trưởng Dũng xin được bảo lưu quan điểm giao cho Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể quốc gia. Bởi lẽ, quy hoạch tổng thể quốc gia là công cụ giúp Chính phủ trong việc chỉ đạo, điều hành về điều phối, phân bổ nguồn lực của quốc gia một cách hiệu quả nhất trên cơ sở tôn trọng quy luật của kinh tế thị trường. Mặt khác, việc lập quy hoạch tổng thể quốc gia với sự tham gia của các Bộ, ngành, địa phương và sự tham gia ý kiến, phản biện của xã hội nhằm nâng cao chất lượng quy hoạch và tạo ra lợi ích cao nhất cho đất nước trong phát triển kinh tế - xã hội, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường. Vì vậy, Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể quốc gia vừa đảm bảo tính linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, đồng thời phù hợp với thẩm quyền của Chính phủ khi quyết định các vấn đề về kinh tế - xã hội được quy định trong Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015.

Phải phù hợp với năng lực và khả năng tài chính

Theo cơ quan thẩm tra dự án luật, cần phải có quy hoạch tổng thể quốc gia để đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống quy hoạch trong cả nước, khắc phục được tình trạng quản lý chia cắt, cục bộ, thiếu liên kết giữa các quy hoạch; đồng thời tạo lập không gian phát triển thống nhất, khắc phục sự mâu thuẫn giữa quy hoạch vùng và quy hoạch cấp tỉnh về không gian phát triển, về mục tiêu, công cụ chính sách, phân bố nguồn lực, lựa chọn dự án, chương trình ưu tiên đầu tư. Mặt khác, quy hoạch tổng thể quốc gia là công cụ để cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế… Với tầm quan trọng như vậy nên đa số ý kiến cho rằng dự thảo luật cần quy định Chính phủ trình Quốc hội quyết định quy hoạch tổng thể quốc gia.

Trong phiên thảo luận tại tổ chiều cùng ngày, nhiều đại biểu cho rằng, ban hành luật là cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay. Tuy nhiên, bên cạnh việc tránh lãng phí, chồng chéo thì cũng cần có một nguồn lực đầu tư phù hợp cho công tác quy hoạch hiện nay.

Đại biểu Nguyễn Văn Lợi (Bình Phước) cho rằng, quy hoạch phải theo tín hiệu của thị trường và dự báo thị trường 5-10 năm tới, nếu không tự thân quy hoạch sẽ phá vỡ quy hoạch.

Còn theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP. Hồ Chí Minh), Luật Quy hoạch phải làm sao để quy hoạch phù hợp với năng lực và khả năng tài chính của đất nước. Vì thời gian vừa qua, chúng ta đã xây dựng quá nhiều quy hoạch, với trên 19.200 quy hoạch, so với số lượng quy hoạch cách đây 10 năm (khoảng 3.000 quy hoạch) thì đã có sự tăng đột biến về lượng, vượt quá khả năng chịu đựng của nền kinh tế.

Liên quan đến việc phê duyệt quy hoạch cũng như thẩm quyền quyết định quy hoạch, đại biểu Trần Hoàng Ngân nhận định, quy hoạch tổng thể cấp quốc gia có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc quyết định phân bổ các nguồn lực, phân công lao động một cách hợp lý cho từng khu vực. Điều đó có nghĩa là, những vấn đề mang tầm quốc gia, quy hoạch tổng thể, chiến lược cấp quốc gia phải do Quốc hội quyết định, những quy hoạch vùng thì Thủ tướng Chính phủ quyết định, quy hoạch tỉnh, thành phố thì do Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố quyết định.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Trần Thị Phương Hoa (Hà Nội) cho rằng, quy hoạch được lập quá nhiều, nhưng chất lượng thấp, không gắn với nhu cầu sử dụng cũng như nguồn lực, gây lãng phí. Quy hoạch thiếu gắn kết, không thống nhất, còn nhiều chồng chéo, mâu thuẫn. Bên cạnh đó, việc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch bị buông lỏng, chưa xử lý kịp thời và thiếu kiên quyết trong chỉ đạo điều hành, cho nên cần quy định chặt chẽ vấn đề này.

Liên quan đến kinh phí cho hoạt động quy hoạch, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị, nên nghiên cứu bỏ khoản 2 Điều 7 (Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tài trợ kinh phí cho các hoạt động quy hoạch). Vì hoạt động quy hoạch là hoạt động chung của quốc gia và ngân sách quốc gia đủ để chi trả cho hoạt động này. Nếu để cá nhân, tổ chức tài trợ, hỗ trợ kinh phí cho hoạt động quy hoạch này thì e rằng sẽ có những tác động nhất định, tạo lợi ích cho tổ chức, cá nhân tài trợ, đại biểu nêu quan điểm.

Tuy nhiên, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (TP. Hồ Chí Minh) lại cho rằng, kinh phí dành cho hoạt động quy hoạch còn hạn chế, dẫn tới việc khó thu hút được tư vấn có chất lượng, tư vấn nước ngoài tham gia đấu thầu tư vấn lập các đồ án quy hoạch. Chẳng hạn, quy hoạch về du lịch tại Quảng Ninh được sự tư vấn của đội ngũ tư vấn nước ngoài thì có giá khoảng 40 tỷ đồng, trong khi đó tư vấn cho đồ án quy hoạch du lịch ở TP. Hồ Chí Minh lại chỉ khoảng hơn 1 tỷ đồng. Với những định mức cho quy hoạch như vậy thì khó có những quy hoạch có chất lượng, đại biểu Tuyết thông tin. 

Quốc hội quyết 2 triệu tỷ đồng đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Sáng 10/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Theo đó, Quốc hội quyết nghị tổng mức vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 tối đa là 2 triệu tỷ đồng, gồm vốn ngân sách Trung ương là 1,12 triệu tỷ đồng và 880 nghìn tỷ đồng vốn cân đối ngân sách địa phương. Mục tiêu đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 là cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công; thu hút tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển; hoàn thiện cơ bản hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, phục vụ cho việc thực hiện các mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và tái cơ cấu nền kinh tế 5 năm tới.

 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy hoạch phải phù hợp với sự phát triển và khả năng tài chính quốc gia