Lý Quang Diệu: Trên đường đi xuống mộ sâu, nếu thấy có gì sai, tôi sẽ tỉnh dậy

Nhật Minh| 24/03/2015 15:14
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong lễ kỷ niệm độc lập Singapore, ông Lý Quang Diệu đã từng phát biểu rằng: “Thậm chí dù nằm trên giường bệnh, thậm chí nếu mọi người đang đưa tôi xuống dưới mộ sâu, nhưng tôi cảm thấy có một điều gì đó đang sai, tôi sẽ tỉnh dậy”.

Thủ tướng Lý Quang Diệu đã ra đi lúc 3.18 phút sáng 23/3/2015, tại Bệnh viện Đa khoa Singapore, hưởng thọ 91 tuổi. Người dân Singapore hết lời ca ngợi ông, và luôn xem ông là người đã đưa quốc đảo “từ vũng lầy” lên một tầm cao mới.  Với họ, nếu không phải vì Lý Quang Diệu, Singapore sẽ không có được vị trí như ngày hôm nay. Câu chuyện về cuộc đời của một trong những vĩ nhân xuất sắc nhất của thế kỷ 20 không thể không nhắc đến những điểm dưới đây.

Thủ tướng đầu tiên của Singapore

Tháng 5/1959, Đảng Hành động Nhân dân (PAP) đã chiến thắng 43/51 ghế trong cuộc bầu cử quốc gia. Ông Lý Quang Diệu trở thành Thủ tướng đầu tiên vào ngày 03/6/1959, thay thế Thủ tướng Lâm Hữu Phúc. Trước khi nhậm chức, ông yêu cầu trả tự do cho Lâm Thanh Thường và Devan Nair, hai người này bị giam giữ bởi chính phủ Lâm Hữu Phúc.

Sáp nhập rồi tách khỏi Malaysia

Năm 1961, Thủ tướng Mã Lai Tunku Abdul Rahman đưa ra đề nghị thành lập một liên bang bao gồm Malaya (Mã Lai), Sabah, Sarawak and Singapore. Ông Lý Quang Diệu đã ủng hộ kế hoạch này và bắt đầu chiến dịch yêu cầu sáp phập với Malaysia nhằm mục đích chấm dứt 144 năm cai trị của người Anh. Kết quả của một cuộc trưng cầu dân ý tổ chức vào ngày 01/9/1962, 70% số phiếu ủng hộ đề nghị của ông.

Ngày 16/9/1963, Singapore trở thành một phần của Liên bang Malaysia. Tuy nhiên, liên bang này không tồn tại được lâu khi Chính quyền Trung ương Malaysia, dưới sự lãnh đạo của Tổ chức Liên hiệp Dân tộc Mã Lai (UMNO), tỏ ra quan ngại về thành phần đa số của người Hoa ở Singapore, cũng như những thách thức chính trị của PAP tại Malaysia.

Từ giữa năm 1964, bạo động bắt đầu nổ ra giữa người Mã Lai và người Hoa. Ông Lý nhận ra rằng việc sáp nhập đóng một vai trò then chốt trong sự tồn vong của Singapore. Ngày 09/8/1965, ông Lý Quang Diệu và Thủ tướng Tunku Abdul Rahman đã quyết định ký thỏa thuận tách Singapore ra khỏi Liên bang Malaysia.

Cũng ngày này, Quốc hội Malaysia biểu quyết thông qua nghị quyết cắt đứt quan hệ với tiểu bang Singapore. Nước Cộng hoà Singapore chính thức được hình thành.

Từng bước nâng tầm quốc gia trên chính trường quốc tế

Đứng ra gánh vác trọng trách xây dựng đảo quốc mới được khai sinh không có tài nguyên thiên nhiên, không có nguồn nước và khả năng quốc phòng thì hết sức nhỏ bé là một nhiệm vụ nặng nề đối với ông Lý. Ông đã từng bước tìm kiếm sự công nhận của quốc tế cho đảo quốc Sư tử.

Ngày 21/9/1965, Singapore gia nhập Liên hiệp quốc. Hai năm sau đó, vào ngày 08/8/1967, Singapore trở thành thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Để từng bước cải thiện quan hệ của Singapore với các nước khác cũng như giành được sự công nhận của quốc tế, ngày 25/5/1973, ông Lý Quang Diệu lần đầu tiên chính thức viếng thăm Indonesia, chỉ vài năm sau chính sách đối đầu của Liên bang Malaysia dưới chế độ Sukarno. Quan hệ Singapore và Indonesia từng bước thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp nhờ những cuộc viếng thăm qua lại sau đó giữa hai nước.

Xây dựng nghĩa vụ quân sự quốc gia (NS)

Lý Quang Diệu: Trên đường đi xuống mộ sâu, nếu thấy có gì sai, tôi sẽ tỉnh dậy

Singapore, với khả năng quốc phòng hạn chế, dễ bị tấn công bởi các mối đe dọa. Ông Lý đã giao cho Ngô Khánh Thụy, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore lúc đó, xây dựng Lực lượng vũ trang Singapore. Bên cạnh đó, ông cũng tìm kiếm sự trợ giúp của các nước khác trong lĩnh vưc tư vấn, huấn luyện và cung ứng trang thiết bị quân sự, đặc biệt là Israel.

Ông Lý Quang Diệu cũng đưa ra chế độ tòng quân cưỡng bức, yêu cầu nam công dân Singapore từ 18 tuổi trở lên phải đăng ký nghĩa vụ quân sự (NS). NS được cho là giải pháp tốt nhất để xây dựng lực lượng quốc phòng Singapore mà không gây ra một gánh nặng về nhân lực đối với Singapore cũng như các nguồn lực tài chính.

Thúc đẩy đa văn hóa

Là một đất nước với những người nhập cư ở tất cả các tầng lớp xã hội, mặc dù ngôn ngữ Mã Lai được sử dụng như một ngôn ngữ chính thức sau đó, nhưng Singapore không có một nền văn hóa thống nhất. Nhận thức được khiếm khuyết này, cùng với đảng PAP, ông Lý đã cố gắng xây dựng một nền văn hóa độc đáo của Singapore trong những năm 1970 và 1980.

Như vậy, chính sách đa văn hóa của Singapore đã được làm sáng tỏ như ông Lý và chính phủ từng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa hợp chủng tộc và tôn giáo dưới sự điều chỉnh của pháp luật để chống lại những mối đe dọa cho một xã hội đa văn hóa.

Lý Quang Diệu: Trên đường đi xuống mộ sâu, nếu thấy có gì sai, tôi sẽ tỉnh dậy

Sáng kiến Nước mới - NEWater

Kể từ khi chính thức trở thành một quốc gia độc lập, Singapore vẫn phải phụ thuộc vào nguồn nước của Malaysia. Và Malaysia đã khai thác điểm yếu này bằng cách đe dọa ngừng cung cấp nước cho Singapore mỗi khi căng thẳng giữa hai nước phát sinh.

Ông Lý sớm nhận ra hậu quả thảm khốc này có thể xảy đến bất cứ lúc nào và đã bắt đầu thử nghiệm nước tái chế vào năm 1974. Năm 1975, nhà máy xử lý nước bị cho là quá đắt và tồn tại các vấn đề về độ tin cậy, dẫn đến việc đóng cửa sau đó.

Năm 1998, một nghiên cứu Cải tạo nước Singapore (NEWater) đã được đề xuất, để xác định xem Singapore có thể xem NEWater như một nguồn nước thông thường hay không.

Nhà máy xử lý nước tinh khiết đầu tiên của Singapore được đưa vào hoạt động năm 2002, giúp đảo quốc bảo đảm nước tự cung tự cấp của mình.

NEWater là nước được sản xuất từ nước đã qua sử dụng và xử lý với công nghệ màng lọc tiên tiến và khử trùng bằng tia cực tím. Nước sau xử lý sẽ rất sạch và an toàn để ăn uống.

Có thể nói, sáng kiến của ông Lý Quang Diệu đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện giải quyết khủng hoảng nước toàn cầu.

Lý Quang Diệu: Trên đường đi xuống mộ sâu, nếu thấy có gì sai, tôi sẽ tỉnh dậy

Rút lui khỏi chiếc ghế Thủ tướng

Năm 1984, ông Lý Quang Diệu thông báo sẽ nghỉ hưu vào 4 năm sau đó, khi ông 65 tuổi, nhưng ông đã tại vị đến năm 1990. Ông Lý là chính khách giữ cương vị Thủ tướng lâu nhất tại Singapore (1959 - 1990). Tuy nhiên, sau khi rút lui, ông vẫn duy trì vai trò của mình tại nội các với vị trí Bộ trưởng Cao cấp từ năm 1990 - 2004 với vai trò cố vấn.  

Sau khi lãnh đạo đảng PAP giành được chiến thắng trong 7 cuộc bầu cử, ngày 28/11/1990, ông Lý Quang Diệu quyết định về hưu và bàn giao chức vụ thủ tướng cho Ngô Tác Đống, con trai ông Ngô Khánh Thụy.

Giữ chức Bộ trưởng Cố vấn

Ngày 12/8/2004, ông Ngô Tác Đống rút lui để bàn giao chức vụ Thủ tướng cho Lý Hiển Long, con trai đầu của ông Lý Quang Diệu. Ông Ngô trở thành Bộ trưởng Cao cấp, và ông Lý Quang Diệu đảm nhiệm chức vụ mới, Bộ trưởng Cố vấn.

Ông Lý Quang Diệu bày tỏ những quan ngại về ảnh hưởng đang suy giảm của tiếng Hoa phổ thông trong giới trẻ Singapore. Trong một bài diễn văn đọc trước quốc hội, ông nói: "Người Singapore cần phải học để thông thạo cả tiếng Anh và tiếng Hoa phổ thông".

Trong một nỗ lực để lôi kéo người Singapore trẻ tuổi học và nói được tiếng Hoa, một chiến dịch kéo dài hàng năm mang tên “Huayu Cool!” được tung ra vào tháng 12/2004.

Lý Quang Diệu: Trên đường đi xuống mộ sâu, nếu thấy có gì sai, tôi sẽ tỉnh dậy

Viết hồi ký

Năm 1999, ông Lý Quang Diệu đã xuất bản cuốn hồi ký gồm hai phần: Câu chuyện Singapore, trình bày quan điểm của ông về lịch sử Singapore cho đến khi tách khỏi Malaysia năm 1965, và Từ thế giới thứ ba đến thế giới thứ nhất, thuật lại sự chuyển đổi của Singapore để trở thành quốc gia phát triển thuộc thế giới thứ nhất.

Thậm chí sau khi rời khỏi cương vị Thủ tướng, ông Lý Quang Diệu đã đưa ra những ý kiến cá nhân của mình về tình hình chính trị và kinh tế quốc tế, cũng như hành trình trước và sau khi giữ vai trò Thủ tướng. Năm 2005, ông Lý đã xuất bản cuốn Keeping My Madarin Alive (Gìn giữ tiếng Hoa).

Năm 2011, ông Lee xuất bản cuốn My Lifelong Challenge Singapore’s Bilingual Journey (Thách thức suốt đời của tôi - Hành trình song ngữ của Singapore) trong đó mô tả cuộc đấu tranh của ông trong việc áp dụng hai ngôn ngữ trong một quốc gia Singapore đa sắc tộc.

Cũng trong năm 2011, Hard Truths to Keep Singapore Going (Những sự thật gian khổ để giữ Singapore đi lên) là một cuốn sách hỏi - đáp dựa trên 16 cuộc phỏng vấn của ông từ năm 2008 - 2009 ra đời.

Năm 2013, The Wit và Wisdom of Lee Kuan Yew (Sự hài hước và Khôn ngoan của Lý Quang Diệu) và One Man’s View of The World (Quan điểm về Thế giới của một con người) được xuất bản. The Wit và Wisdom of Lee Kuan Yew bao gồm khoảng 600 câu nói tổng kết ý kiến của ông Lý về một loạt các đề tài liên quan đến Singapore và thế giới, và cuốn One Man’s View of The World trình bày kinh nghiệm cũng như sự hiểu biết của ông  trong việc đưa ra các quan điểm về thế giới ngày nay và trong 20 năm tới.

Vấn đề về sức khỏe

Tháng 5/2011, ông Lý Quang Diệu chính thức nghỉ ngơi, rút lui hoàn toàn khỏi chính trường do tuổi cao, sức yếu.

Tháng 11/2011, con gái ông tiết lộ ông bị mắc bệnh thần kinh ngoại biên. Tháng 02/2013, ông Lý phải nhập viện do rối loạn nhịp tim. Tháng 02/2015, ông nhập viện vì bệnh viêm phổi nặng. Từ ngày 17/3, Bệnh viện Đa khoa Singapore đã chính thức thông báo "tình trạng sức khỏe của ông Lý Quang Diệu chuyển biến xấu sau hơn một tháng nhập viện để điều trị bệnh viêm phổi cấp". Ông qua đời ngày 23/3/2015.

Người hết mình vì đảo quốc Singapore

Trong lễ kỷ niệm độc lập Singapore, ông Lý Quang Diệu đã từng phát biểu rằng: “Thậm chí dù nằm trên giường bệnh, thậm chí nếu mọi người đang đưa tôi xuống dưới mộ sâu, nhưng tôi cảm thấy có một điều gì đó đang sai, tôi sẽ thức dậy”.

Tình yêu đất nước của ông là điều bất kỳ người dân Singapore đều cảm nhận được. Người dân đảo quốc Sư tử tôn kính gọi ông là “cha sáng lập” đất nước. Còn thế giới gọi ông là vĩ nhân, là hình mẫu lãnh đạo tài ba của thế giới văn minh, hiện đại.

Thật tiếc ông đã không thể nhìn được thành quả của mình trong ngày vinh quang khi đất nước tắm mình trong lễ kỷ niệm vàng của Singapore, kỷ niệm 50 năm Quốc khánh của đảo quốc. Tuy nhiên, người dân Singapore tin rằng ông đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, và hi vọng ông có thể ra đi thanh thản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lý Quang Diệu: Trên đường đi xuống mộ sâu, nếu thấy có gì sai, tôi sẽ tỉnh dậy