Câu chuyện cuộc đời của một nữ điệp viên xuất sắc (Kỳ 4): Huyền thoại Mata Hari

Trâm Anh (TruTV)| 28/02/2014 13:38
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cuộc đời, những chuyện phiêu lưu và đặc biệt là cái chết của Mata Hari là nguồn gốc biết bao huyền thoại về cô.

“Vật hy sinh” của quân đội Pháp

Đúng một tháng sau khi trở về, ngày 13/2/1917, Mata Hari bị cảnh sát Pháp bắt và bị buộc tội làm gián điệp cho Đức. Ngày 24/7/1917, vụ án được đưa ra xét xử. Họ buộc tội Mata Hari đã để lộ thông tin khiến 17 tàu chiến của liên quân bị chìm, gần một sư đoàn quân bị thiệt mạng. Dường như lời buộc tội đó là nhằm mục đích xoa dịu cơn phẫn nộ của dư luận vì sự thất bại của chiến dịch được gọi là “Nivel” - tức là cuộc tiến công mùa xuân. Trong chiến dịch này quân đồng minh đã mất hơn 220.000 binh lính và sĩ quan.

Trong khi nguyên nhân của thất bại được cho là do các điệp viên gây ra thì các chuyên gia lại cho rằng nguyên nhân thất bại là do việc chuẩn bị chiến dịch kéo dài mà lơ là việc ngụy trang tác chiến và chiến thuật áp dụng phương thức tấn công lỗi thời là dùng đến sinh lực mà không đánh giá đúng lực lượng đối phương. Sau thất bại này có hàng loạt tướng tá bị cách chức và đuổi khỏi quân đội. Sự thất bại này không hẳn do sự phản bội của Mata Hari bởi cô đã bị bắt hai tháng trước khi nổ ra cuộc tiến công kia và vì thế cô đã mất liên lạc với bộ chỉ huy Đức. Chính xác cô chỉ là “vật hy sinh” mà thôi. Người dân đang cần được xoa dịu.

Ngoài tội chính là tội tiết lộ bí mật, Mata Hari còn bị cáo buộc một tội nữa là nhận tiền của Đức. Mata Hari bào chữa rằng một phần tiền ấy cô nhận được không phải vì hoạt động gián điệp, còn một phần khác thì do bọn điệp viên Đức gán ghép cho cô. Tuy nhiên Tòa án đã không chấp nhận lời bào chữa đó và vẫn tuyên án tử hình.

Câu chuyện cuộc đời của một nữ điệp viên xuất sắc (Kỳ 4): Huyền thoại Mata Hari

Nữ diễn viên Greta Garbo thủ vai Mata Hari trong phim “Mata Hari” của đạo diễn Fitsmoris

Huyền thoại Mata Hari

Margaret Tselle chờ đợi cái chết của mình tại nhà tù Sen-Lazar và vẫn tiếp tục những điệu múa lễ thức trước những nữ tu đến an ủi cô. Mata Hari nói với các nữ tu trong thời gian chờ thi hành án rằng cô không sợ chết. Cô đề nghị đưa linh mục đến thực hiện nghi thức xưng tội và sám hối nhưng vẫn tuyên bố: “Tôi không muốn tha tội cho người Pháp. Nhưng thế nào cũng được. Tất cả đều như nhau. Sống không là gì, mà chết cũng không là gì. Chết, ngủ, mơ, những cái đó có nghĩa gì không? Chết hôm nay hay chết ngày mai, chết trên giường mình hay lúc dạo chơi cũng như nhau cả thôi”. Cô được phép viết ba bức thư ngắn: cho một quan chức nào đó, cho người tình Vadim và cô con gái.

Để đảm bảo tính nhân đạo của Pháp, các tử tội không được thông báo ngày mình bị xử tử trước. Theo thông lệ, những người tới đón tù nhân đi xử tử thường cố tình gây ra những tiếng động mạnh ngay từ khi bước vào nhà tù để phạm nhân có thể đối mặt với điều này một cách dễ dàng hơn. Sáng sớm ngày 15/10/1917, các sĩ quan tới đánh thức cô dậy. Họ tới bịt mắt và khoá tay Mata Hari. Viên đội trưởng Bounchardon thông báo với cô rằng đơn xin giảm án của cô đã bị tổng thống từ chối. Buổi sáng ảm đạm hôm ấy người ta đã bắn cô trong khu rừng cạnh bãi tập Vensen. Mata Hari đối mặt với cái chết rất can đảm. Cô bước đi với cái đầu ngẩng cao và từ chối không bịt mặt.

Nhiều năm sau cái chết của điệp viên xinh đẹp Mata Hari, huyền thoại về cô gái xinh đẹp làm vũ công và trở thành điệp viên được lan rộng. Bên cạnh những cuốn sách về Mata Hari người ta còn dựng nhiều phim nữa. Nhiều nghệ sĩ và nhà làm phim đã khắc hoạ về cuộc đời điệp viên này như Greta Garbo, Marlene Dietrich, Sylvia Kristel và Jeanne Moreau. Dù không chính thức nhưng nhiều chính khách và nhà văn đã coi Mata Hari là một “nữ điệp viên vĩ đại nhất”. Tuy nhiên, điệp viên người Anh Bernard Nyumen đã từng viết: “… Tôi hoàn toàn thừa nhận rằng phụ nữ có thể làm một điệp viên, nhưng hoạt động của họ không thực sự xuất sắc. Sự thật là Mata hati không làm được một phần trăm những gì người ta đã gán ghép cho cô trong những tác phẩm đầy lãng mạn, hoặc một phần ngàn những gì được nói đến trong những cuốn sách có vẻ như là nghiêm túc”.

Tuy nổi tiếng như thế nhưng Mata Hari có cuộc đời ngắn ngủi. Việc cô có phải là điệp viên hai mang hay không vẫn còn đang là vấn đề nhiều tranh cãi cho tới tận ngày nay. Có thể việc xử tử Mata Hari là một sai lầm nghiêm trọng của Pháp. Dầu đúng hay sai, Mata Hari vẫn là một trong những nữ điệp viên nổi tiếng nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, cô trước hết vẫn là một ngôi sao giải trí trước khi bước chân vào thế giới gián điệp và người ta biết tới Mata Hari là một vũ công tài năng nhiều hơn là một điệp viên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Câu chuyện cuộc đời của một nữ điệp viên xuất sắc (Kỳ 4): Huyền thoại Mata Hari