Câu chuyện cuộc đời của một nữ điệp viên xuất sắc (Kỳ 3): Làm điệp viên hai mang vì tiền

27/02/2014 11:49
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mata Hari lúc nào cũng cần tiền bởi cô tiêu tiền không có kế hoạch. Thế nên để kiếm tiền chi trả cho nhu cầu của mình, cô đã chấp nhận một quyết định tai họa: làm điệp viên hai mang.

Nhưng cô có thực sự cung cấp được cho các ông chủ những nguồn tin quý báu hay không, hay chỉ ghi danh vào “cơ quan điệp vụ” để nhận tiền của họ? Nếu có người hỏi Mata Hari làm việc cho ai thì chắc chắn câu trả lời của cô sẽ là: “Làm việc cho chính mình”

Quyết định tai hại

Có người cho rằng Mata Hari là điệp viên của Đức một thời gian dài trước khi Thế chiến tranh thứ nhất nổ ra vào năm 1914. Đó là lúc cô vừa mới li dị và rất cần tiền. Chứng minh cho giả thiết này là việc cô đã mang biệt danh H-21, trong đó chữ cái “H” là biệt danh chung của các điệp viên thời trước chiến tranh bởi những người hoạt động ngay sau khi bắt đầu chiến tranh có mã số AP. Ngoài ra, vào tháng 7/1914, mấy tuần trước khi chiến tranh nổ ra, Mata Hari đã rời Paris sang Đức. Vào ngày tuyên bố chiến tranh người ta thấy cô ngồi ăn sáng với trùm cảnh sát Berlin. Tuy nhiên, ngoài những bằng chứng không rõ ràng đó ra thì không hề có thông tin nói rằng đã có những bí mật của Pháp trước chiến tranh bị rò rỉ sang Đức.

Ngoài suy luận trên, người ta còn cho rằng Mata Hari được tuyển mộ trong thời kỳ chiến tranh bởi một tuỳ viên quân sự Đức ở Madrid là Hans fon Kalle, mà cô là người tình trong một thời gian. Cách lý giải này gần giống với sự thật, bởi vì về sau chính từ Madrid xuất hiện một bản tin mật mang tai họa đến cho Mata Hari. Hơn nữa, người ta còn kể rằng tham gia vào việc tuyển người này còn có đô đốc tương lai Canaris, lúc này ông mới là một thuyền trưởng khiêm tốn của một chiếc tàu ngầm, nhưng nhiều năm sau ông là người lãnh đạo ngành tình báo quân sự của nước Đức Hitler. Khi các bạn bè hỏi về sự kiện này ông chỉ cười trừ không đáp. Một số người khẳng định rằng chính nam tước Fon Mirbakh đã tuyển chọn cô ở Madrid. Tuyển chọn xong cô đã nhận một khoản tiền lớn.

Mata Hari lúc nào cũng cần tiền vì thế cô đã có một quyết định tai họa: xin làm tình báo cho Pháp mà không hề cho họ biết cô làm tình báo cho Đức. Mata Hari đến gặp người chỉ huy phản gián Pháp, đại uý Liadu, với lý do cô cần giấy thông hành đi đến thành phố sát mặt trận Vittel, là nơi ông Thị trưởng đã mời cô tới từ lâu và cũng cần tới đó để điều trị bệnh. Cô đã thương lượng được với đại uý Liadu và bắt đầu phục vụ cho tình báo Pháp. Cô nhận được nhiệm vụ đầu tiên đi Tây Ban Nha, sau đó đi Bỉ. Khi chia tay, đại uý Liadu đã nhắc nhở cô rằng đừng bao giờ làm việc cho cả hai mặt trận, cần chọn lấy một, nếu không thì kết cục sẽ rất xấu. Mata Hari trả lời rằng cô sẽ phục vụ tình báo Pháp bằng tấm lòng trung thành.

Câu chuyện cuộc đời của một nữ điệp viên xuất sắc (Kỳ 3): Làm điệp viên hai mang vì tiền

Mata Hari

Tìm kiếm tiền thưởng bằng thông tin quan trọng

Để cho Mata Hari đi Tây Ban Nha, Liadu đã gần như chắc chắn sẽ có được mật mã mà tuỳ viên quân sự Đức đã dùng để liên lạc với Bộ Tổng tham mưu ở Berlin. Quả thật, ít hôm sau Liadu nhận được mật điện: “Điệp viên H-21 đã tới Madrid và bắt đầu làm được việc cho Pháp. Xin chỉ thị và xin tiền. Đang cung cấp thông tin về các nơi đóng quân… Cũng cho biết rằng nhà hoạt động quốc gia Pháp N. đang có quan hệ mật thiết với một công nương nước ngoài…”.

Sau này người ta biết rằng không phải mọi thông tin về các trung đoàn của Pháp là chính xác, thông tin về những cuộc phiêu lưu tình ái của nhà hoạt động quốc gia cũng không có gì đáng chú ý lắm. Tuy nhiên, đối với cuộc đời của Mata Hari, những bức điện ít ý nghĩa ấy lại là quyết định - cơ quan phản gián của Pháp đã nhận được lời khẳng định rằng chính Mata Hari là điệp viên của Đức mang tên H-21.

Tuy nhiên, Mata Hari đã góp công lớn cho phản gián Pháp. Thông qua người tình của mình, điệp viên Đức Hans fon Kalle, cô biết rằng quân Đức đã biết về việc người Anh đổ quân bằng tầu ngầm lên cảng Marroco và bộ chỉ huy Đức đang chuẩn bị đập tan số quân đó. Cô lập tức đem tin đó cho điệp viên Pháp ở Madrid, đại tá Danvil. Danvil đã mật báo về Paris. Tuy nhiên, Đức đã bắt được điện ấy. Khi biết được thông tin rò rỉ từ đâu, Bộ chỉ huy tình báo Đức đã nghiêm khắc cảnh cáo Hans fon Kalle.

Sau khi bị Hans fon Kalle mắng nhiếc, Mata Hari hiểu ra chuyện và đã quyết định tới gặp đại tá Danvil, cho ông biết chuyện người Đức đã biết mật mã của Pháp và đã đọc được các bức điện. Chỉ cần một thông tin đó, chưa kể đến những thông tin trước đó đã cứu sống hàng trăm binh lính và thuỷ thủ, Mata Hari cũng đã xứng đáng được nhận khoản tiền một triệu đồng mà Liadu đã hứa. Nhưng điều mà cô nhận được lại không phải như cô mong chờ.

Noel 1916, từ Tây Ban Nha, Mata Hari quay về Paris trong bộ cánh sang trọng. Mọi người đều mong chờ chuyến đi này của cô: Người Đức chờ những thông tin quan trọng của Pháp mà cô hứa hẹn sẽ gửi về. Cơ quan phản gián Pháp thì đang chờ Mata Hari tự chui vào bẫy của họ. Còn bản thân Mata Hari thì hi vọng về đây cô sẽ nhận được một khoản tiền mà người Pháp đã hứa trả cho những thông tin quan trọng mà cô đã cung cấp.

(Còn nữa)

Trâm Anh (TruTV)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Câu chuyện cuộc đời của một nữ điệp viên xuất sắc (Kỳ 3): Làm điệp viên hai mang vì tiền