Bí ẩn về “kho báu hải tặc” tại đảo hoang

N.Thùy (Theo CNN)| 11/05/2014 10:27
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong vòng 200 năm, hàng triệu người đã tìm đến hòn đảo mang tên Oak, nằm ở vịnh Mahone, thuộc bờ biển phía Nam Canada để tìm kiếm kho báu khổng lồ của gã thuyền trưởng cướp biển William Kidd chôn giấu với hy vọng trở thành người giàu có nhất thế giới.

Tuy nhiên, tất cả những nỗ lực tìm kiếm kho báu đều thất bại. Do đó, vào năm 2010, chính phủ Canada đã cho thông qua đạo luật đảo Oak - cấm tất cả những hoạt động truy tìm kho báu trên đảo từ nay về sau.

Bí ẩn về “kho báu hải tặc” tại đảo hoang

Hàng loạt hố sâu bí ẩn trên đảo Oak

Bí mật nằm dưới lòng đất

Nhiều tài liệu còn lưu trữ ghi chép lại cho rằng, vào năm 1600, giới săn tìm kho báu trên khắp thế giới luôn truyền miệng nhau về kho báu khổng lồ mà gã thuyền trưởng cướp biển William Kidd chôn giấu ở đâu đó tại hòn đảo hoang mang tên Oak. Một người trong thủy thủ đoàn của William đã tiết lộ điều này, nhưng hắn chưa kịp nói ra địa điểm nơi chôn giấu thì đã chết đột ngột.

Một số kẻ tìm kiếm kho báu vào thời điểm đó cho rằng, đó là một kho báu được chôn giấu, số khác lại khẳng định nơi đây cất giữ chén Thánh huyền thoại. Thời gian sau đó, hòn đảo Oak đón không biết bao nhiêu lượt người đến để tìm kho báu bí ẩn trên. Tuy nhiên, một điều lạ lùng đã diễn ra là mỗi lần có người cố gắng đào bới tìm kiếm thì hố đất lại tự động sụp xuống như lời cảnh báo và để bảo vệ an toàn cho bí mật nằm bên dưới. Càng tìm kiếm sâu hơn, người truy lùng càng gặp nhiều khó khăn và sự hiểm nguy, đôi khi phải đánh cược mạng sống của mình.

Trước tình trạng nhiều người phải bỏ mạng tại đảo Oak, nhưng nhiều kẻ “ôm giấc mơ làm giàu từ kho báu trên đảo hoang” vẫn bất chấp nguy hiểm để tìm tới. Một trong những người đó là chàng trai trẻ mang tên Daniel McGinnis. Sau khi phát hiện ra vùng đất bí ẩn với những hố sâu trên đảo, Daniel McGinnis với trí tò mò của mình đã rủ hai người bạn cùng thám hiểm địa danh này. Cả ba người đều háo hức khám phá kho tàng hải tặc được chôn giấu tại nơi đây. Nhưng họ không biết rằng đã vô tình khơi dậy một câu chuyện không có hồi kết…

Sau khi có mặt trên hòn đảo, Daniel McGinnis bắt đầu tự tay mình đào sâu xuống hố đất này và khá bất ngờ khi cứ 3m anh lại đụng phải những tấm ván gỗ. Ban đầu, cả ba vui mừng tưởng rằng đó chính là chiếc rương kho báu. Nhưng rồi họ nhanh chóng nhận ra đó chỉ là một thanh gỗ được gắn vào hai bên thành giếng. Sau khi kéo thanh gỗ lên, họ nhìn thấy cái giếng vẫn còn sâu. Không bỏ cuộc, cả ba tiếp tục công việc đào bới của mình. Mặc dù đã đào đến độ sâu hơn 7,5m nhưng cả ba vẫn không phát hiện bất kỳ dấu tích gì chứng minh tại đây từng chôn giấu kho báu “khổng lồ” của gã thuyền trưởng cướp biển William Kidd huyền thoại.

Vào thời điểm này, Daniel McGinnis cùng hai người bạn phát hiện số lương thực mình mang theo đã cạn. Cuối cùng, ba chàng thanh niên đành bỏ cuộc, lấp cái giếng lại và bỏ đi mặc dù không thôi nghĩ rằng, chẳng ai lại đào cái giếng sâu như vậy mà không cất giấu một thứ gì quý giá dưới đó.

Bí ẩn về “kho báu hải tặc” tại đảo hoang

Hàng loạt giả thuyết về “kho báu hải tặc” được đưa ra

Hàng loạt giả thuyết về kho báu

Kể từ đầu thế kỷ XIX, nhiều công ty được thành lập để thực hiện công việc đào bới, kiếm tìm kho báu trên hòn đảo. Từ lúc này, nhiều người không còn tin vào giả thuyết kho báu chôn giấu trên đảo là của gã thuyền trưởng cướp biển William Kidd, mà đưa ra hàng loạt giả thuyết khác.

Một số tin rằng bọn cướp biển từ xa xưa đã chọn nơi này để chôn giấu của cải cướp được, số khác lại nói, hố sâu này cất giữ số trang sức bị mất sau cuộc cách mạng Pháp của nữ hoàng Marie Antoinette nổi tiếng. Một giả thuyết khác thậm chí còn khẳng định, cha đẻ của chủ nghĩa duy vật Anh – Francis Bacon đã xây dựng nơi này và lưu trữ tại đây những tài liệu chứng minh rằng ông là tác giả của những vở kịch của Shakespeare.

Một giả thuyết khác cũng cho rằng, hòn đảo này gắn liền với truyền thuyết các hiệp sĩ châu Âu. Đó là những tu sĩ tham gia chống lại quân đội các nước Hồi giáo thông qua các cuộc Thập tự chinh. Nhờ sức mạnh cùng đức tin của mình, họ nhanh chóng trở thành một thế lực về quân sự và kinh tế ở châu Âu, sở hữu nhiều ngân hàng và nhiều bảo vật linh thiêng. Tuy nhiên vào năm 1305, sau khi chịu sức ép của vua Pháp, giáo hoàng đã kết tội dị giáo đối với tổ chức này. Họ bị bắt và giết hại một cách ghê rợn như những phù thủy. Và từ đó, những bảo vật cùng tài sản khổng lồ của họ bỗng dưng biến mất. Nhiều người tin rằng, trên đảo Oak chứa tất cả kho báu của các hiệp sĩ.

Rất nhiều những giả thuyết lớn khác về bí ẩn dưới lòng đất này được đưa ra, một trong số đó là chiếc hòm giao ước – Ark of the Covenant - nổi tiếng cũng được cất giữ tại đây. Mặc dù hàng loạt lý thuyết cùng sự tiên đoán được đưa ra nhưng những người thám hiểm không tài nào chứng thực được chúng bởi chưa ai thành công trong việc đi đến đáy của cái hố này cả. Khó khăn mà tất cả dù cá nhân hay tổ chức đều gặp phải đó là cấu trúc đất dễ lún, lở của hang. Lại nhắc về cuộc tìm kiếm của Daniel và những người bạn của mình, sau một ngày đêm đào và chỉ thấy những tấm gỗ, họ đã đi ngủ. Trở lại vào ngày hôm sau, ba chàng trai nhận thấy cái hố đã bị ngập nước và sụt lún.

Hòn đảo bị nguyền rủa

Sau đó, nhiều công ty và tổ chức đến đây tìm kiếm cũng gặp phải vấn đề tương tự khi việc cố gắng tiến vào sâu hơn bên trong hố chỉ là một cuộc hành trình tốn kém và vô cùng nguy hiểm. Các hầm ngập lụt của “hố tiền” này dường như được kết nối với một mạng lưới lớn hơn nhiều, chạy ngầm dưới lòng đất. Mỗi khi người ta cố gắng đến gần, nó lại tự ngập bởi nước biển một cách kỳ lạ đến nỗi nhiều người tin rằng, nơi đây đã bị nguyền rủa.

Tuy vậy, những phần khác của hang động được tìm thấy cũng mang trên mình nhiều hiểm nguy không kém. Một hang động được tìm thấy trong cuộc khai quật được cho là một bẫy mìn. Một đường hầm khác được phát hiện là lối dẫn nước ngập bí mật của hệ thống hang này.

Vậy tại sao hố sâu bí ẩn này vẫn thu hút hàng trăm nhà thám hiểm đến tìm kiếm? Trong một lần khoan thăm dò trong đường hầm ngập lụt năm 1849, một công ty đã tìm ra giữa đống đất sét và gỗ những mẩu vàng. Hơn thế nữa, một trong những khám phá lớn nhất tại hang này là tập hợp những chữ khắc trên đá nằm khoảng 27m dưới lòng đất.

Những kí hiệu này được dịch ra rằng “Tiếp tục đào 12m phía dưới, bạn sẽ thấy 2 triệu bảng Anh” (khoảng 70 tỷ VND theo tỷ giá hiện tại). Chỉ với một vài bằng chứng đấy cũng đủ thôi thúc nhiều thế hệ người đến đây đào bới với mong muốn tìm thấy cả một gia tài.

Sau vô số nỗ lực, bí ẩn của hố sâu đảo Oak vẫn tồn tại đến ngày nay. Theo nhiều cách khác nhau, các cuộc thám hiểm đã trở thành một phần lịch sử của đảo Oak. Với sự thất bại của những tổ chức cố gắng truy lùng báu vật, vào năm 2010 chính phủ đã cho thông qua đạo luật đảo Oak - cấm tất cả những hoạt động truy tìm kho báu trên đảo từ nay về sau. Cho dù đó chỉ là một hố đất tự nhiên, hang với đầy đá quý chôn giấu hay là trò lừa điên rồ nhất thế giới thì nơi này sẽ mãi mãi mang trên mình bí ẩn lớn.

Giả thuyết vững chắc nhất

William Crooker, tác giả của nhiều cuốn sách về đảo Oak bí ẩn, cho rằng các giếng được xây dựng như một phần âm mưu của vua George III, nước Anh và một số cố vấn thân cận của ông. Vào 12/8/1762, quân đội Anh chiếm được thành phố Havana, Cuba, từ Tây Ban Nha. Havana là một thành phố trù phú và quan trọng, cất giữ rất nhiều vàng bạc từ Thế giới mới, trước khi nó được vận chuyển trở lại Tây Ban Nha. Theo tác giả Crooker, hai tàu đầy chiến lợi phẩm sau khi thu được tại Havana, dưới sự điều khiển của Bá tước Albemarle, Anh quốc, đã Có chuyến hải trình đến đảo Oak. Trước đó, ông đã ra lệnh cho các kỹ sư quân đội xây dựng một kho đạn bí mật với các đường dẫn và thoát nước phức tạp. Bá tước Albemarle đã đưa kho báu khổng lồ này lên đảo trong các chiếc rương đóng kín, và các kỹ sư xây dựng vẫn ngỡ đó là các thùng đạn và họ không hề quan tâm đến kho báu khổng lồ này. Sau đó, vì một lý do không rõ, Bá tước Albemarle đã bị vua George II hạ sát, bí mật từ đó bị chôn vùi vĩnh viễn. Đây cũng chính là giả thuyết vững chắc nhất cho đến ngày nay mặc dù vẫn không đầy đủ bằng chứng.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bí ẩn về “kho báu hải tặc” tại đảo hoang