Đúng là chúng ta vừa cần cá, tôm và thép nhưng có cần một Formosa tới 70 năm không - Một quả bom môi trường nằm sát kề ai cũng lo lắng”, đại biểu Trần Công Thuật đặt vấn đề khi đề cập tới vụ Formosa.
Tại phiên thảo luận về báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2016, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2016 diễn ra sáng nay (29/7), nhiều ý kiến bày tỏ bức xúc về vấn đề môi trường, đặc biệt là sự cố môi trường biển khiến cá chết hàng loạt ở miền Trung.
4 tháng qua điêu đứng, lòng dân không yên
Đại biểu Trần Công Thuật (Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Bình) nêu tình trạng ô nhiễm môi trường thời gian qua xảy ra khắp nơi, nhất là sự cố gây ô nhiễm môi trường biển ở miền Trung do Formosa gây ra đã ảnh hưởng xấu, tác động lớn đến đời sống nhân dân, an ninh xã hội và lòng tin của người dân.
Đại biểu Trần Công Thuật đưa ra 5 kiến nghị liên quan đến sự cố Formosa trước Quốc hội
“Nhân dân và cử tri Quảng Bình cảm ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Mặt trận ủng hộ nhân dân vùng bị ảnh hưởng cả về vật chất và tinh thần. Chính phủ đã tập trung chỉ đạo nhanh chóng tìm ra nguyân nhân và thủ phạm. Tuy nhiên, ảnh hưởng của sự cố môi trường biển là hết sức nghiêm trọng, kéo lùi sự phát triển của tỉnh, cả về đời sống và lòng tin của nhân dân. Ít nhất trong 4 tháng qua điêu đứng, lòng dân không yên” - vị đại biểu Quảng Bình nói.
Thay mặt nhân dân và cử tri Quảng Bình, đại biểu Trần Công Thuật đã đưa ra 5 kiến nghị:
Thứ nhất, ảnh hưởng của sự cố môi trường biển ở tỉnh Quảng Bình là hết sức nặng nề và nghiêm trọng, nó kéo lùi sự phát triển về kinh tế, xã hội trong 4 tháng qua, làm cho kinh tế tỉnh Quảng Bình điêu đứng, lòng dân không yên, bà con rất phẫn nộ và lên án hành động gây ra sự hủy hoại môi trường biển của Formosa.
Thứ hai, nhân dân Quảng Bình đề nghị sớm thực hiện quy định của Chính phủ về chính sách hỗ trợ đối với người dân trong vùng trực tiếp bị thiệt hại và khu vực liên quan.
Thứ ba, cần nhanh chóng giải quyết những khó khăn của người dân về việc làm, thu nhập, ổn định đời sống lâu dài một cách căn cơ để người dân yên tâm. Do tác động của sự cố này là toàn diện, nghiêm trọng, khó khắc phục, và ảnh hưởng lâu dài, mặc dù tỉnh Quảng Bình đã nỗ lực và cố gắng nhưng nhiều mặt vượt quá khả năng giải quyết của tỉnh.
Thứ tư, cần công khai minh bạch về cái gì dân được đền bù, cái gì được hỗ trợ của Nhà nước, cái gì được Nhà nước đầu tư. Bà con cũng quan tâm đến việc làm rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước, xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong sự cố môi trường vừa qua, tránh lúng túng thiếu nhạy bén.
Thứ năm, liên tiếp trong thời gian gần đây phát hiện thêm nhiều sai phạm của Formosa đã chôn lấp chất thải bừa bãi. Do đó cơ quan chức năng cần xử lý kiên quyết đối với hành vi này.
“Khẩn trương sớm làm rõ để trả lời cho dân rõ: Khi nào đánh bắt gần bờ được, khi nào bà con yên tâm ăn hải sản được và khi nào môi trường biển an toàn? Đúng là chúng ta vừa cần cá, tôm và thép nhưng có cần một Formosa tới 70 năm không - Một quả bom môi trường nằm sát kề ai cũng lo lắng”, đại biểu Trần Công Thuật đặt vấn đề.
Hỗ trợ công bằng, xử trách nhiệm thoả đáng
Là ĐBQH của 1 trong 4 tỉnh chịu thiệt hại nặng nề, ông Hà Sỹ Đồng bày tỏ sự đồng cảm với những bất bình, bức xúc của cử tri cả nước thể hiện qua báo cáo của Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam trong phiên khai mạc.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng, báo cáo của Chính phủ đã nêu con số thiệt hại theo tính toán sơ bộ với số người bị ảnh hưởng trực tiếp lên đến hàng trăm ngàn, thiệt hại về tài sản cũng lên đến con số hàng ngàn tấn, thậm chí đến hàng triệu tấn. Tổng thiệt hại trực tiếp và gián tiếp, vô hình và hữu hình, đặc biệt là hệ sinh thái, các rạn san hô vô cùng lớn và việc xử lý, khắc phục phải mất nhiều năm.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị phải xử lý trách nhiệm cá nhân, kể cả những người không còn đương chức có liên quan đến vụ Formosa
"Người dân đang hàng ngày, hàng giờ sống cùng những lo âu khắc khoải, chúng tôi có thể nói rằng, đời sống sản xuất kinh doanh của người dân trên địa bàn 4 tỉnh ảnh hưởng nghiêm trọng, các sản phẩm đánh bắt hải sản ven bờ, xa bờ đều khó tiêu thụ.
Tàu cá ở vùng biển và tàu khai thác gần bờ trong thời gian qua gần như nằm im hoàn toàn, các hộ thu mua và kinh doanh hàng thủy hải sản cũng như dịch vụ hậu cần nghề cá không hoạt động được.
Còn gì buồn hơn và lo lắng hơn khi người dân không ra khơi bám biển mà phải đi tìm những việc làm khác để mưu sinh kiếm sống. Không chỉ ngư dân mà các khách sạn, nhà hàng, công ty lữ hành, các điểm kinh doanh ven biển hoàn toàn bị ngưng trệ, gây thiệt hại lớn về kinh tế, lượng khách du lịch đến Quảng Trị giảm không còn bằng 1/10 so với cùng kỳ năm 2015", ông Đồng chia sẻ.
Cho rằng sự cố thủy hải sản chết do sự cố môi trường biển vừa qua liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, phạm vi đối tượng bị ảnh hưởng lớn, ông Hà Sỹ Đồng đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương mở rộng đối tượng thống kê thiệt hại trên tất cả các lĩnh vực để hỗ trợ thỏa đáng và công bằng. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động của Formosa để việc sản xuất của công ty này không gây hậu quả về môi trường tương tự trong tương lai.
Về việc xử lý sai phạm, hoàn toàn nhất trí với đại biểu Trần Công Thuật đối với báo cáo bổ sung Chính phủ gửi Quốc hội, ông Hà Sỹ Đồng đề nghị bổ sung làm rõ một số điểm mà Chính phủ cũng đang xử lý hậu quả.
"Quốc hội không thể đứng ngoài cuộc, tôi đề nghị Quốc hội không chỉ tìm ra câu trả lời thật rõ ràng minh bạch về trách nhiệm sai phạm của Formosa, mà còn phải nhanh chóng rà soát văn bản pháp luật để ngăn chặn ngay từ đầu những nhà đầu tư có nguy cơ đe dọa đến đời sống của nhân dân. Có cơ chế xử lý trách nhiệm cá nhân, kể cả những người không còn đương chức", ông Hà Sỹ Đồng nói.