Quốc hội cho phép Đà Nẵng thí điểm không tổ chức HĐND quận, phường

Xuân Lan| 19/06/2020 16:31
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nội dung trên nêu rõ trong Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng vừa được Quốc hội thông qua chiều ngày 19/6.

Quốc hội cho phép Đà Nẵng thí điểm không tổ chức HĐND quận, phường

92,13% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành thông qua Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng

Chiều 19/6, 445/451 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 92,13% tổng số đại biểu Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Nghị quyết quy định chính quyền địa phương ở thành phố Đà Nẵng là cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND thành phố và UBND thành phố; Chính quyền địa phương ở các quận thuộc thành phố Đà Nẵng là UBND quận. UBND quận là cơ quan hành chính nhà nước ở quận, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Nghị quyết nàyvà theo phân cấp, ủy quyền của UBND, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng;

Chính quyền địa phương ở các phường thuộc quận tại thành phố Đà Nẵng là UBND phường. UBND phường là cơ quan hành chính nhà nước ở phường, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Nghị quyết này và theo phân cấp, ủy quyền của UBND, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, UBND quận; Việc tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính khác của thành phố Đà Nẵng được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng được thực hiện từ ngày 1/7/2021 cho đến khi Quốc hội quyết định chấm dứt việc thực hiện thí điểm.

Chưa bổ sung quy định dân bầu trực tiếp Chủ tịch thành phố Đà Nẵng

Trước đó, trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, qua thảo luận, một số ý kiến đề nghị thực hiện thí điểm người dân trực tiếp bầu Chủ tịch UBND thành phố để bảo đảm quyền của người dân trong việc lựa chọn người đứng đầu chính quyền địa phương, đồng thời có cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực đối với Chủ tịch UBND.

Nhấn mạnh việc tổ chức để người dân trực tiếp bầu Chủ tịch UBND là hình thức dân chủ trực tiếp, qua đó Nhân dân giám sát và kiểm soát quyền lực đối với người đứng đầu chính quyền địa phương, song Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, để có thể áp dụng được cơ chế này, cần phải có sự nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng, thận trọng.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xin phép Quốc hội chưa quy định nội dung này trong dự thảo Nghị quyết. Đồng thời để giám sát, kiểm soát quyền lực đối với Chủ tịch UBND quận, phường, dự thảo Nghị quyết đã quy định cơ chế chịu trách nhiệm của Chủ tịch UBND quận, phường; bổ sung thẩm quyền của HĐND thành phố trong việc lấy phiếu tín nhiệm và xem xét việc trả lời chất vấn đối với Chủ tịch UBND quận; đồng thời tiếp tục duy trì cơ chế kiểm tra, giám sát của các cấp ủy Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội như hiện nay.

Về mô hình chính quyền đô thị tại Đà Nẵng, nghị quyết được Quốc hội thông qua cũng quy định mỗi ban của HĐND thành phố có không quá 2 phó trưởng ban hoạt động chuyên trách; trưởng ban của HĐND thành phố có thể là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách.

Quy định này nhằm tạo sự linh hoạt, chủ động cho thành phố trong trường hợp cần bố trí tăng thêm số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách tại mỗi ban.

Cụ thể, người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu HĐND đánh giá tín nhiệm thấp thì có thể xin từ chức. Trường hợp có từ 2/3 tổng số đại biểu trở lên đánh giá tín nhiệm thấp thì HĐND đề nghị chủ tịch UBND TP Đà Nẵng xem xét, quyết định theo thẩm quyền.

Tự quyết định về phí, lệ phí trừ án phí, lệ phí Tòa án

Trên cơ sở đồ án quy hoạch đô thị thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc phân cấp cho UBND thành phố Đà Nẵng thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị thành phố theo trình tự, thủ tục do Thủ tướng Chính phủ quy định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

Về quản lý tài chính - ngân sách nhà nước, Nghị quyết nêu rõ: Năm đầu của thời kỳ ổn định ngân sách, Chính phủ xem xét trình Quốc hội quyết định tỷ lệ điều tiết phù hợp cho ngân sách thành phố Đà Nẵng để đảm bảo nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. 

Bên cạnh đó, thành phố Đà Nẵng thực hiện cơ chế tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo quy định. Sau khi ngân sách thành phố bảo đảm đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội cho cả thời kỳ ổn định ngân sách theo quy định của cấp có thẩm quyền, HĐND thành phố Đà Nẵng được quyết định sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư của ngân sách thành phố để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách.

Ngân sách thành phố Đà Nẵng được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách thu quy định tại khoản 3 Điều này để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách thành phố và không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách thành phố Đà Nẵng.

HĐND TP Đà Nẵng cũng được quyết định áp dụng trên địa bàn thành phố về: Phí, lệ phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí; Điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí, lệ phí được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí, trừ án phí, lệ phí Tòa án.

“Chậm nhất là quý IV năm 2023, Chính phủ có báo cáo sơ kết việc thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù tại thành phố Đà Nẵng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội xem xét, quyết định”, Nghị quyết nêu rõ.

Nghị quyết giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng và đại biểu Quốc hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021. Trường hợp có quy định khác nhau về các vấn đề thí điểm tại Nghị quyết này với luật, nghị quyết khác của Quốc hội thì áp dụng theo quy định của Nghị quyết này. Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau khi Nghị quyết này có hiệu lực thi hành có quy định cơ chế, chính sách ưu đãi hoặc thuận lợi hơn Nghị quyết này thì việc áp dụng do Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng quyết định

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội cho phép Đà Nẵng thí điểm không tổ chức HĐND quận, phường