Nơi ở cũ bị sạt lở nghiêm trọng, người dân được di dời về khu tái định cư (TĐC). Tuy nhiên, về “vùng đất mới” được ngày trước, ngày sau người dân lũ lượt quay về nơi ở cũ, mặc cho sự nguy hiểm từ sạt lở bờ sông luôn rình rập.
Nơi ở mới cứ mưa là sạt lở
Qua trao đổi, ông Trương Văn Tàu (SN 1965, xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) cho biết, nhà của ông trước đây ở dọc bờ sông Vu Gia, đoạn chảy qua thôn Hà Dục Đông, xã Đại Lãnh. Những năm gần đây, bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng không thể ở được nữa nên cuối năm 2016, chính quyền xã Đại Lãnh đã cho di dời gần 30 hộ dân dọc sông Vu Gia về khu TĐC cách trung tâm xã khoảng 3km.
Khu TĐC này trước đây là đồi Gò Hiu nhưng nay đã được san ủi nửa quả đồi để người dân xây cất nhà cửa. Ông Tàu cho biết, hộ nào về khu TĐC xây cất nhà cửa sẽ được hỗ trợ 20 triệu đồng tiền di dời.
Móng nhà vệ sinh nhà anh Nam bị sạt lở vùi lấp (Ảnh: S.T)
Anh Trương Văn Nam (SN 1985, xã Đại Lãnh) tâm sự, thời gian đầu về khu TĐC, anh và người dân rất vui mừng vì có nơi ở mới. Tuy nhiên, chỉ không lâu sau đó, người dân bắt đầu ngán ngẩm cuộc sống ở đây. “Sau lưng dãy nhà ở khu TĐC này vẫn còn nửa quả đồi chưa san ủi. Đồi này toàn đất cao lanh, khi mưa xuống thì bắt đầu xảy ra tình trạng sạt lở, đất đá tràn cả vào nhà rất nguy hiểm. Cũng chính vì lý do này mà nhiều hộ vừa mới xây nhà lên đành dọn về nơi cũ” – anh Nam kể và cho biết thêm, năm ngoái anh đào móng xây nhà vệ sinh, tuy nhiên sau một trận mưa đất đá tràn vào lấp hết móng nên từ đó đến nay gia đình anh vẫn chưa có nhà vệ sinh để sử dụng.
Hàng loạt ngôi nhà tại khu TĐC bỏ hoang (Ảnh: S.T)
Ông Tàu khẳng định, tình trạng sạt lở núi đang diễn ra ngày một nghiêm trọng. Đến thời điểm hiện tại, lớp đất đã tràn sát vách nhà khiến ai nấy cũng lo lắng. “Từ 29 hộ sinh sống, bây giờ chỉ còn 8 hộ dám ở. Hầu hết đều lo sợ trước tình trạng sạt lở. Đã tránh sạt lở nay lại gặp sạt lở, không biết đến khi nào mới có thể an cư lạc nghiệp”- ông Tàu thẩn thờ nói.
Dân lần lượt rời bỏ khu TĐC
Ông Tàu cho biết, nhà ông trước đây ở nơi cũ bằng gỗ rộng 8m chiều ngang nhưng khi dọn về khu TĐC thì khuôn viên đất chỉ có 7m chiều ngang, thế là ông phải bỏ nhà cũ, vay tiền xây nhà. Hiện ông còn nợ 24 triệu đồng tiền vay để làm nhà ở khu TĐC này nhưng lại bị sạt lở đe doạ.
Ngoài sạt lở, Khu TĐC còn nhiều lý do khác khiến người dân bỏ đi. Một trong số đó là nước sinh hoạt. “Ở đây nước giếng bị nhiễm phèn, không thể sử dụng được, muốn nấu cơm hay ăn uống chúng tôi phải mua nước bình rất tốn kém. Vợ tôi bị đau vừa mới mổ xong nhưng không dám cho ở đây vì sợ nước sinh hoạt bị đục, đóng phèn có thể làm vết thương bị nhiễm trùng. Cảm thấy bất an, tôi đành chở vợ con về bên ngoại ở” – anh Nam nói.
Đồi Gò Hiu thường xuyên xảy ra sạt lở khiến người dân rất lo lắng (Ảnh: S.T)
“Tình trạng an ninh tại đây cũng rất phức tạp. Thấy khu TĐC ít người ở nên các con nghiện hay lên đây sử dụng ma tuý. Những lúc như thế chúng tôi chỉ biết nhìn thôi chứ không biết báo ai. Tội nhất là trẻ nhỏ, đi học thêm ban đêm về phải đứng đợi ở ngoài đường lớn để ba mẹ ra dẫn vào vì không dám đi một mình, vì đường vắng, tối và nhiều đối tượng nghiện ” – ông Tàu tiếp lời và cho biết, ngoài vấn đề trên, ở đây đất hẹp nên không có đất canh tác, chăn nuôi hay trồng trọt. Để chăn nuôi người dân phải về nơi ở cũ cách 3km.
Nước sinh hoạt là vấn đề nhức nhói tại khu TĐC này (Ảnh: S.T)
Mang những thắc mắc của người dân trao đổi với ông Ngô Xuân Yến - Chủ tịch xã Đại Lãnh. Ông Yến cho hay, đây là dự án TĐC của tỉnh đầu tư từ nguồn vốn của Trung ương di dời cho những hộ dân bị sạt lở. Sau khi hoàn thành, khu TĐC này có 34 nền nhà để đưa những hộ dân bị sạt lở vào TĐC. Mỗi hộ vào đây TĐC được Chi cục định cư tỉnh hỗ trợ 20 triệu đồng. Những phản ánh của người dân xã cũng đã biết và cũng đã kiểm tra.
Đối với những phản ánh của người dân về điều kiện sinh sống tại đây như điện công cộng, nước giếng bị ô nhiễm không dùng được, ông Yến cho biết, xã đã lấy mẫu nước đi kiểm định, các chỉ số đều đạt nhưng chỉ số về độ đục là không đạt. Đối với một số nhà bỏ hoang, ông Yến cho rằng có một số hộ dân xây nhà để đối phó, chưa có điều kiện đến ở nhưng vẫn xây nhà. “Điều kiện khó khăn ở khu TĐC xã cũng thấy, huyện cũng lên kiểm tra. Hướng sắp đến sẽ khắc phục, trước mắt là nguồn nước” - ông Yến nói.
Về vấn đề dân sinh, ông Yến cũng khẳng định, sau này dân ở ổn định sẽ hình thành một tổ thuộc thôn Hà Dục Tây, sẽ có đơn vị hành chính...Đối với việc núi đất cao lanh sạt lở gây nguy hiểm cho các hộ dân, ông Yến nói huyện có phương án khắc phục là ủi luôn một nửa quả đồi còn lại để hình thành một khu dân cư. Còn hiện nay, mưa xuống sạt lở đến đâu thì khắc phục đến đó.