Theo báo cáo nhanh của BCH Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam, tính đến 17h ngày 12/9, tỉnh Quảng Nam có 441 tàu và 4.712 lao động đang hoạt động trên biển.
Trong đó, 149 tàu và 2.782 lao động đánh bắt xa bờ, các tàu đang hoạt động ở khu vực có tọa độ 14-17 độ vĩ Bắc; 111 độ-119 độ kinh Đông. Tàu hoạt động gần bờ có 292 tàu và 1.930 lao động. Số tàu đang neo đậu tại bến 3.837/11.778 lao động. Lượng mưa đo được không đáng kể, cụ thể từ ngày 11 đến 17h ngày 12/9, tại TP Tam Kỳ 164mm, Tiên Phước 93mm, Hội An 89 mm, Câu Lâu 83 mm…
Cũng trong ngày 12/9, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu có công điện khẩn gửi các sở, ban ngành về việc chủ động ứng phó với diễn biến của áp thấp nhiệt đới có nguy cơ thành bão.
Người dân đang thu hoạch hoa màu trước khi bão đổ bộ
Theo đó, chỉ đạo huy động tất cả mọi lực lượng, phương tiện và mọi biện pháp để chủ động ứng phó; phối hợp chặt chẽ thực hiện khẩn trương, đồng bộ các biện pháp phòng, chống; Kiểm tra, rà soát các khu dân cư ở các vùng ven biển, ven sông, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất; các xã có đường cao tốc đi qua, sẵn sàng phương án di dời, sơ tán dân triệt để đến nơi an toàn;
Ngoài ra, triển khai các biện pháp chằng, chống nhà ở, trụ sở làm việc, kho tàng, các trường học, cơ sở y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng; Kiểm tra công tác dự trữ lương thực, các mặt hàng thiết yếu ở địa phương dễ bị cô lập, chia cắt do bão lũ; các trường học chủ động cho học sinh, sinh viên nghỉ học cho đến khi bão tan.
Lực lượng xung kích sẵn sàng phương án phòng, chống lụt, bão ở địa phương giúp dân chằng chống nhà cửa, di chuyển dân đến tạm trú nơi an toàn; sẵn sàng thực hiện cứu nạn, cứu hộ
Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo lực lượng Biên phòng tỉnh hướng dẫn các tàu, thuyền vào khu neo đậu tàu thuyền tránh bão, kiên quyết không để người ở lại trên tàu, thuyền, lồng bè khi bão đổ bộ; Nghiêm cấm tất cả các tàu, thuyền của tỉnh ra khơi…