Báo chí từng phê phán vụ quan tỉnh say sưa, đập nhau ở tỉnh Bình Phước. Cụ thể là ông Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Bùi Quốc Khánh cầm ly bia đập vỡ mặt ông Phó Giám đốc Sở Nội vụ Phạm Thành Chung.
Cú táng ly bia vào mặt khiến cho ông Chung bị chảy máu đầm đìa, phải nhập viện cấp cứu, làm dư luận xôn xao dài dài.
Hai ông Phó Giám đốc Sở Nội vụ và Sở Ngoại vụ Bình Phước đánh nhau xong lại ngồi bên nhau thân ái.
Chuyện “ông Nội” và “ông Ngoại” choảng nhau, có nguyên nhân từ bia bọt. Nghe nói là giữa khi “ông Nội” đang tiếp khách (trong giờ hành chính) tại quán karaoke thì “ông Ngoại” xuất hiện. Ông cầm ly bia cụng với khách của “ông Nội” nhưng lại phớt lờ ông chủ xị khiến “ông Nội” nổi giận. Đấu khẩu không đã, hai quan tỉnh chuyển sang đấu võ, “ông Ngoại” đã cầm ly bia táng “ông Nội”. Màn đấu võ kết thúc, “ông Nội” bị đo ván, nhập viện.
Sau khi cả hai hết hơi men, tỉnh ra mới làm giải trình là không có chuyện đó, lỡ tay và hiểu lầm cả thôi. Hai bên ra sức thanh minh rằng không có chuyện xô xát, đánh nhau tại quán karaoke Bóng Trăng (đường Hùng Vương, thị xã Đồng Xoài), khiến một quan chức bị thương tích ở đầu, rách tai phải đi cấp cứu. Người chứng kiến chỉ biết cười khẩy trước giải trình này. Tuy nhiên, UBND tỉnh Bình Phước đã xác nhận giữa ông Bùi Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ và ông Phạm Thành Chung, Phó Giám đốc Sở Nội vụ có xảy ra xô xát, cãi cọ… Cuộc chiến xảy ra nơi đông người, chứ không phải nơi kín đáo mà có thể ỉm đi được.
Đương sự không thừa nhận vụ việc nhưng ông Chung và ông Khánh đều bị kỷ luật, trong đó ông Chung bị Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bình Phước xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách. Còn ông Khánh bị cảnh cáo.
Trong một vụ khác, ông Nguyễn Văn Tuyến, Hạt trưởng Hạt quản lý đường bộ 73.4 (TP.Vị Thanh, thuộc Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng công trình giao thông 73, TP.Cần Thơ) bị ông Huỳnh Hớn Dũng, Giám đốc Công ty Cầu đường 719 (TP.Bạc Liêu) táng ly bia vào mặt phải đi cấp cứu. Vụ này chưa có thông tin xử lý thế nào.
Xem ra đủ thấy hậu quả của bia bọt thật khó lường! Giá như có một cuộc trưng cầu “ý vợ” thì chắc kết quả là đại bộ phận các bà, các chị ủng hộ tăng thuế rượu bia để “đánh” vào bệnh nhâu nhẹt của các ông chồng. Không nói ra ai cũng biết hậu nhậu nhẹt là gì, nhất là các quan nhậu. Trưng cầu ý dân thì dân càng mong hạn chế, vì không ít đương sự méo mặt khi có việc cậy nhờ quan chức đã phải chi tiền cho các cuộc nhậu bí tỉ của quan.
Vì vậy, việc tăng thuế suất tiêu thụ đặc biệt với rượu bia và thuốc lá nhằm tăng thu ngân sách và hướng dẫn tiêu dùng vì lý do bảo vệ sức khỏe được dư luận đồng tình. Nhưng người dân thấy còn có một lý do nữa là hậu quả bia bọt dễ làm mất tư cách cán bộ. Ngoài biện pháp thuế, các cơ quan cần có biện pháp nghiêm khắc để ngăn ngừa cán bộ, quan chức đam mê với bia rượu.