Hàng trăm mét vuông đất đã được bồi thường giải phóng mặt bằng nằm sát mặt đường đô thị trở thành “đất vàng” có giá trị nhiều tỷ đồng chưa ai quản lý (đất hoang) đã được doanh nghiệp “nhanh tay” dựng cột sắt, quây rào tôn chiếm giữ để chống lấn chiếm.
Mấy ngày qua, dư luận nhân dân phản ánh việc một số cán bộ lãnh đạo phường Thành Tô (quận Hải An-Hải Phòng) câu kết với lãnh đạo Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển nông nghiệp (Cty CPĐT&PTNN) trước là Nông trường Thành Tô chiếm đất chia chác nhau. Nơi bị “tố” lấn chiếm là khu vực đất khoảng 400m2 một mặt nằm kề sát đất của Cty CPĐT&PTNN, một mặt nằm sát mặt đường World Bank (vừa được giải phóng mặt bằng) gần điểm giao cắt giữa đường World Bank và đường Lê Hồng Phong, cách Sân bay Cát Bi gần 1km.
Khu đất trên đã được san lấp mặt bằng, đóng cọc sắt, rào tôn kín xung quanh. Đây được coi là khu “đất vàng” bởi theo người dân nơi đây giá đất ở hiện tại khu vực này (khi đường World Bank được giải phóng mặt bằng thành hình đường) là trên 30 triệu đồng/m2, còn khi xong đường kết nối với đường Lê Hồng Phong thì giá đất còn cao hơn nữa. Gần khu đất trên còn có khu đất khoảng 2000m2 cũng được đóng cọc sắt, rào tôn quây kín. Khu đất này một mặt nằm kề sát đường World Bank, một mặt sát đất của Cty CPĐT&PTNN.
Hàng rào chiếm đất
Theo ông Nguyễn Văn Hà, Giám đốc Cty CPĐT&PTNN thì khu đất nêu trên nằm trong diện tích nguyên là đất của công ty nhưng đã được Nhà nước bồi thường giải phóng mặt bằng. Khi dự án đường World Bank lấy đất làm đường thì thừa ra 400m2. Nhận thấy, có nhiều người nhòm ngó, ông đã cho rào khu đất tạm quản lý để chống lấn chiếm, khi nào Nhà nước thu hồi thì sẽ bàn giao. Việc rào đất là do công ty tự ý làm không báo cáo chính quyền địa phương và không được phép rào theo quy định.
Về thông tin phản ánh lãnh đạo phường câu kết với lãnh đạo công ty chiếm đất chia chác, ông Hà khẳng định đó là bịa đặt do chính những kẻ muốn chiếm đất tung ra. Về khu đất khoảng 2000m2 được đóng cọc sắt, rào tôn quây kín nêu trên, ông Hà khẳng định đó là đất của công ty đã giao khoán cho các hộ sản xuất. Quá trình sản xuất, một số hộ đã tự ý chuyển nhượng cho người khác và san lấp mặt bằng. Khu đất này vừa qua có hiện tượng lấn chiếm nên công ty rào lại để giữ đất. Ông Hà cho biết: “chính một số cán bộ quận có ý định chiếm dụng khu đất trên thông qua việc nhượng lại các hợp đồng thuê khoán lại của các hộ sản xuất” nên công ty mới rào lại giữ đất.
Về việc phản ánh, hàng héc ta đất sản xuất của công ty (trước đây là nông trường) đã được lãnh đạo công ty bán cho nhiều người làm nhà hình thành những khu nhà ở khang trang, ông Hà thừa nhận là có việc đó, việc đó là sai và ông phải chịu một phần trách nhiệm.
Để tìm hiểu sự việc trên, phóng viên đã nhiều lần liên hệ với ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch UBND phường Thành Tô nhưng phía UBND phường Thành Tô chưa thể bố trí được buổi làm việc. Được biết, trước đó, có một số đối tượng chiếm đất dựng cọc quây rào dây thép gai đều bị UBND phường Thành Tô cho lực lượng giải tỏa.
Được biết, ngày 22/9/2017, UBND quận Hải An có Thông báo số 1645/UBND – VP yêu cầu Chủ tịch UBND phường Thành Tô lập hồ sơ vi phạm, tổ chức tháo dỡ ngay đối với các hàng rào, khung sắt xây dựng trên phần diện tích đất vi phạm trong ngày 22/9/2017, báo cáo kết quả về UBND quận trong ngày 23/9/2017…, nhưng chiều ngày 26/9/2017, phóng viên có mặt tại hiện trường thì những hàng rào cọc sắt, quây tôn nêu trên vẫn ngang nhiên tồn tại, thách thức dư luận. Không hiểu, việc ngang nhiên dựng cọc sắt, quây tôn rào đất của Cty CPĐT&PTNN nêu trên “có gì đặc biệt” mà UBND phường Thành Tô không thể xử lý như các trường hợp khác?