Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ NN & PTNT nghiên cứu, rà soát toàn diện Tiêu chuẩn Việt Nam về nước mắm (TCVN 5107:2003) bảo đảm khắc phục các bất cập, phù hợp với thực tiễn sản xuất trong nước và yêu cầu hội nhập quốc tế.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổ chức rà soát tiêu chuẩn Việt Nam về nước mắm. Ảnh minh họa.
Trước đó, nhóm các doanh nghiệp sản xuất nước mắm có văn bản gửi Chính phủ và các Bộ ngành cho biết sẽ sớm tự công bố tiêu chuẩn chung của nước mắm truyền thống và kiến nghị Thủ tướng sớm giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn soạn thảo và ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước mắm để có cơ sở phân biệt nước mắm truyền thống với nước mắm công nghiệp hoặc nước chấm.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, các văn bản quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm nước mắm đã tương đối đầy đủ. Quy chuẩn TCVN 5107:2003, nước mắm được chia thành 4 loại: Loại đặc biệt: Độ đạm >30N g/l. Loại thượng hạng: Độ đạm >25 N g/l. Loại hạng 1: Độ đạm >15N g/l. Loại hạng 2: Độ đạm >10N g/l. Dưới 10 độ đạm, không được gọi là nước mắm.
Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản nào quy định cụ thể về khái niệm nước mắm truyền thống (hay còn gọi là nước mắm nguyên chất, nước mắm cốt) và nước mắm pha chế từ nước mắm truyền thống (hay còn gọi là nước mắm công nghiệp). Điều này đang dẫn đến các cách hiểu rất khác nhau về nước mắm truyền thống.
Để đảm bảo minh bạch, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổ chức rà soát tiêu chuẩn Việt Nam về nước mắm (TCVN 5107:2003) để làm rõ khái niệm nước mắm truyền thống, phân việt với các loại sản phẩm pha chế từ nước mắm.
Do nguồn nguyên liệu sản xuất nước chấm và nước mắm, rủi ro an toàn thực phẩm (như kim loại nặng) khác nhau nên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng sẽ rà soát xây dựng tiêu chuẩn riêng về nước chấm và quy định về danh mục chỉ tiêu, mức giới hạn an toàn riêng cho nước chấm và nước mắm (nước chấm trong).