Kỳ thi Đánh giá năng lực 2016: Danh sách 100 người ra đề thi hoàn toàn bảo mật
Giáo dục - Ngày đăng : 19:22, 05/05/2016
Kết thúc ngày đầu tiên kỳ thi ĐGNL 2016, trong buổi họp báo chiều nay (5/5), PGS.TS Nguyễn Kim Sơn - Phó giám đốc ĐHQGHN cho biết, ca thi sáng nay có 4.931 thí sinh làm bài thi ngoại ngữ, đạt tỷ lệ 96,7 %.
Số lượng thí sinh đăng ký dự thi đánh giá năng lực là 399, có mặt 390 (chiếm 95%). Số thí sinh thi ĐGNL ngoại ngữ phải chuyển ca là 8/5.100, chiếm tỷ lệ 0,15%. Trong đó, 1 thí sinh bị nhầm môn thi và 1 thí sinh cảm cúm.
Điểm thi ĐH Thủ đô có 1 thí sinh bỏ thi. Không có thí sinh, cán bộ coi thi bị kỷ luật trong ngày thi đầu tiên, ông Sơn nói.
Như vậy, số lượng thí sinh dự thi ĐGNL/tổng thí sinh đăng ký thi ĐGNL 477/525, chiếm tỷ lệ 91%. Số lượng thí sinh dự thi ngoại ngữ/tổng thí sinh đăng ký ĐGNL Ngoại ngữ: 4559/4653, chiếm tỷ lệ 97,9%.
PGS.TS Nguyễn Kim Sơn - Phó giám đốc ĐHQGHN phát biểu trong buổi họp báo kết thúc ngày thi đầu tiên kỳ thi ĐGNL 2016
Theo ông Sơn, danh sách người ra đề thi hoàn toàn được bảo mật, bao gồm 100 cán bộ thuộc nhiều đơn vị khác nhau, trong đó có cả cán bộ cao niên, nhiều nhà khoa học kinh nghiệm về hưu sức khỏe tốt và cán bộ trẻ tuổi. Tất cả các cán bộ ra đề đều được tập huấn kỹ năng, xác định tiểu mục đề để có lượng câu hỏi định lượng.
Năm 2016, số lượng câu hỏi trong ngân hàng đề thi ĐGNL đã tăng gấp đôi (từ hơn 4.000 lên 8.000 câu) đã được chuẩn hóa, nên đáp ứng được đề cho số thí sinh tăng lên.
ĐHQGHN không công bố bộ đề nguồn, đáp án, cũng như không tổ chức phúc khảo bài thi ĐGNL. Đây là kỳ thi có nhiều điểm khác biệt và đã được kiểm định, rà soát qua 13 bước xây dựng và thử nghiệm, ông Sơn khẳng dịnh.
Số máy tính giảm 2.000 so với năm trước, mỗi phòng có 5% máy tính dự phòng. Do đó, giải pháp được đưa ra là tăng số ca thi, ngày thi để đáp ứng lượng thí sinh tăng lên.
Kỳ thi ĐGNL đợt 1 có 70.000 thí sinh tham dự, cao gấp 1,5 lần so với năm 2015, tổ chức ở 21 điểm thi trên 7 tỉnh, thành phố nhưng số ca, ngày thi được kéo dài, từ 5-15/7.
Trong 6.200 máy tính được sử dụng thì phần lớn là của các trường thành viên của ĐHQG và các trường đại học tham gia sử dụng kết quả ĐGNL. Những máy tính này vẫn được các trường sử dụng bình thường.
Ông Sơn khẳng định, sẽ không có chuyện “lãng phí máy tính”. Theo ông, nếu những năm sau số lượng thí sinh tăng lên, thì cường độ sử dụng máy tính còn tăng lên.
Đặc biệt, một số thí sinh do hết suất đăng ký nên tình nguyện thi xa tại các địa điểm tỉnh thành khác. Tuy nhiên, để tạo điều kiện, ĐHQGHN đã bổ sung phòng thi, hỗ trợ 124 trường hợp thí sinh từ Hà Nội phải vào Nghệ An.
Một số hình ảnh trong ngày thi đầu tiên kỳ thi ĐGNL 2016:
Thí sinh xếp hàng chuẩn bị vào phòng thi
Nghe phổ biến một số quy chế
Gửi đồ để vào phòng thi
Nghe gọi vào phòng thi
Các thí sinh khá thoải mái vì đề thi vừa sức
Ngày mai (6/5), thí sinh làm bài thi ngoại ngữ trên máy tính, là một trong các môn học tiếng Anh (D1), tiếng Nga (D2), tiếng Pháp (D3), tiếng Trung Quốc (D4), tiếng Đức (D5) và tiếng Nhật (D6), gồm 80 câu hỏi trắc nghiệm. Thời gian làm bài 90 phút. Kết quả bài thi ngoại ngữ chỉ có giá trị ngay trong năm dự thi để xét tuyển. Từ ngày 7 - 8/5 và 13 - 15/5, thí sinh làm bài thi bài ĐGNL, bao gồm 140 câu hỏi trắc nghiệm, thời gian làm bài 195 phút. Kết quả bài thi ĐGNL này được bảo lưu trong 2 năm. Đề thi Mỗi thí sinh làm một đề thi riêng do máy tính tổ hợp từ bộ cơ sở dữ liệu đề nguồn. Đề thi bao gồm 2 phần trắc nghiệm: phần bắt buộc và phần tự chọn. Độ khó của các câu hỏi thi thuộc mỗi phần được phân định theo tỉ lệ: 20% ở cấp độ dễ, 60% ở cấp độ trung bình và 20% ở cấp độ khó. Phần bắt buộc: 10% kiến thức trong chương trình lớp 10; 20% kiến thức trong chương trình lớp 11; 70% kiến thức trong chương trình lớp 12. - Gồm 2 phần: Tư duy định lượng và tư duy định tính Tư duy định lượng (Kiến thức Toán) gồm 50 câu hỏi dạng câu hỏi trắc nghiệm 4 lựa chọn hoặc câu hỏi điền giá trị số, thời gian: 80 phút. Các câu hỏi của phần này có dạng câu hỏi trắc nghiệm 4 lựa chọn hoặc câu hỏi điền giá trị số. Tư duy định tính (Kiến thức Ngữ văn) gồm 50 câu hỏi dạng trắc nghiệm 4 lựa chọn, thời gian: 60 phút. Phần tự chọn: Thí sinh lựa chọn Kiến thức Khoa học Tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); hoặc Kiến thức Khoa học Xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Mỗi nội dung có 40 câu hỏi trắc nghiệm lựa chọn, thời gian: 55 phút. Sau thời gian 2 phút, nếu thí sinh không chọn một trong hai nội dung, máy tính sẽ mặc nhiên chọn nội dung Khoa học Tự nhiên. Lưu ý: Thí sinh chọn phần tự chọn phù hợp với yêu cầu xét tuyển của đơn vị đào tạo dự kiến ĐKXT. |
Ảnh: Phòng Truyền thông ĐHQGHN